Khi "cậu nhỏ" bị chấn thương, quý ông nên làm gì?
Triệu chứng chấn thương tinh hoàn là bệnh nhân thấy đau dữ dội ở vùng bìu, trên da bìu có những đốm chấm xuất huyết, sau đó da bìu bầm tím tụ máu rõ, sưng to dần.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận một trường hợp nam sinh viên bị vỡ nát tinh hoàn khi đang chơi bóng đá. Khi mổ ra, tinh hoàn trái của nam sinh viên vỡ nát, tụ máu, mất hết tổ chức nhu mô lành.
Thông tin này đã khiến nhiều quý ông lo lắng, nhất là đối với những người hay chơi thể thao. Có nhiều người thắc mắc, liệu vỡ nát tinh hoàn có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và nam giới cần phải làm gì khi gặp phải trường hợp này.
Nhiều người thắc mắc, liệu vỡ nát tinh hoàn có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, nguyên nhân gây chấn thương tinh hoàn thường gặp nhất là do chơi thể thao, bởi lực va chạm mạnh của dụng cụ chơi và bạn chơi tác động mạnh trực tiếp vào bìu.
Triệu chứng chấn thương tinh hoàn là bệnh nhân thấy đau dữ dội ở vùng bìu, trên da bìu có những đốm chấm xuất huyết, sau đó da bìu bầm tím tụ máu rõ, sưng to dần.
Đối với tổn thương nhẹ, bìu chỉ bị xây xát, không rách hoặc rách do vết thương đơn thuần không có dị vật. Tổn thương trung bình: Chấn thương có thể gây tụ máu trong bao trắng, có thể rách hoặc không rách bao trắng. Bìu có thể rách hoặc không rách, khối tụ máu trong da bìu lớn và có khuynh hướng tiến triển.
Tổn thương nặng thường là tổn thương dập nát tinh hoàn, hoại tử và xuất huyết lan rộng, có thể kèm hoặc không kèm rách da bìu.
Các biến chứng có thể xảy ra như xoắn tinh hoàn, hay tổn thương đi kèm, cơn đau ngày một tăng, bìu đau co thắt, sờ nắn người bệnh than đau nhói.
Các biến chứng như nhiễm trùng vết thương, ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng (thường giảm số lượng tinh trùng), …
Những bệnh nhân có tụ máu trong tinh hoàn mà không được phẫu thuật sẽ bị nhiễm trùng tinh hoàn và hoặc có hoại tử tinh hoàn mà thường sau đó cần phải cắt bỏ tinh hoàn.
BS Hưng khuyến cáo, khi quý ông gặp những trường hợp như vậy, bệnh nhân nên tìm đến những cơ sở y tế chuyên khoa sâu, tốt nhất có đơn vị hỗ trợ sinh sản bởi nếu cả hai tinh hoàn bị vỡ, việc mất khả năng sinh tinh có thể xảy ra. Khi đó, các bác sĩ sẽ giúp lấy tinh trùng, trữ đông để người bệnh có con sau này.
Một nam sinh bị vỡ nát tinh hoàn khi đá bóng đang được các bác sĩ phẫu thuật.
Trường hợp vỡ một bên tinh hoàn, cũng giống như các cơ quan đôi khác trong cơ thể, chức năng của tinh hoàn sẽ bị suy giảm nhưng sẽ không mất hết. Tinh hoàn bên còn lại vẫn có thể hoạt động độc lập để bù trừ cho bên bị teo hay mất chức năng.
Nếu tinh hoàn bị vỡ đã được cắt bỏ, người bệnh hầu như không có nguy cơ vô sinh. Tuy nhiên, nếu tinh hoàn vỡ không được cắt bỏ và tự teo đi sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại. Bởi tinh hoàn teo đã trở thành vật thể lạ (kháng nguyên), cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chống lại cả tinh hoàn teo và tinh hoàn lành.
Đối với một số trường hợp vỡ tinh hoàn mà không bị đụng dập nhu mô tinh hoàn, các bác sĩ có thể khâu bảo tồn. Nhưng nếu đụng dập tổ chức này, bác sĩ bắt buộc phải cắt bỏ để bảo tồn chức năng sinh sản cho tinh hoàn bên kia.
“Khi thấy trẻ nam hoặc nam giới có dấu hiệu bất thường ở bìu như đau nhức, sưng to thì cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để được chữa trị kịp thời, tránh nguy cơ hoại tử tinh hoàn và không làm giảm đi cơ hội có con”, BS Hưng khuyến cáo.
Nam sinh vào viện trong tình trạng bìu trái sưng nề, tím; tinh hoàn trái mất cấu trúc bình thường.