Khát nước liên tục kèm sút cân, người đàn ông có đường huyết tăng vọt
Bệnh nhân mắc đái tháo đường dù ăn nhiều, uống nhiều nhưng vẫn sụt cân nhanh là do cơ thể thiếu insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả.
Trong vòng 1 tuần, ông C. sụt hơn 2 kg, cảm giác háo nước khiến ông phải uống nước liên tục. Nhận thấy sự bất thường nên ông quyết định đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) để khám.
Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số đường máu của ông C. tăng gấp 5 lần so với bình thường, HbA1c lên đến 14.6% (bình thường 4.2%-6.8%). Sau khi dò liều để đưa chỉ số đường máu trở về mục tiêu, bệnh nhân được duy trì phác đồ điều trị đái tháo đường, đồng thời, bác sĩ tư vấn cho ông C. chế độ dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt sau khi ra viện nhằm kiểm soát đường huyết và hạn chế biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đái tháo đường.
Bác sĩ Vi Thị Thùy Dung, Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê, Phú Thọ cho biết, bệnh nhân mắc đái tháo đường dù ăn nhiều, uống nhiều nhưng vẫn sụt cân nhanh là do cơ thể thiếu insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả khiến đường trong máu tăng cao, lượng đường này lại không được vận chuyển đến tế bào để duy trì hoạt động, nên cơ thể sẽ lấy năng lượng từ mô mỡ đã tích lũy từ trước. Việc thiếu năng lượng khiến người bị tiểu đường luôn cảm thấy đói và thèm ăn, trong khi cân nặng bị sụt giảm.
Bệnh nhân luôn cảm thấy khát do đường trong máu tăng cao sẽ khiến thận tăng cường hoạt động để thải đường ra ngoài kèm lượng nước tiểu đáng kể. Việc tiểu nhiều lần và mất nhiều nước khiến cơ thể luôn cảm thấy khát và uống nhiều hơn.
Vì vậy, khi có dấu hiệu ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám.
Theo ThS.BSCKII. Tạ Thùy Linh – Phụ trách khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đối với bệnh nhân đái tháo đường típ 1, insulin đặc biệt quan trọng, nếu sử dụng thiếu insulin hoặc ngừng điều trị insulin đột ngột hoặc kèm theo các yếu tố nguy cơ khác như nhiễm trùng, chấn thương, stress, nhồi máu cơ tim… sẽ thúc đẩy nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Đây là một biến chứng nặng thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường típ 1 và có thể để lại các di chứng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nhiều biến chứng mạn tính khác của đái tháo đường típ 1 cũng có thể xảy ra như các biến chứng mạch máu nhỏ như biến chứng thận dẫn đến suy thận, biến chứng võng mạc dẫn đến mù lòa; các biến chứng mạch máu lớn có thể gặp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, bệnh động mạch chi dưới; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống và giảm thời gian sống của bệnh nhân.
Bệnh nhân đái tháo đường típ 1 cũng dễ bị hạ đường huyết do sử dụng insulin không phù hợp. Phác đồ sử dụng và liều lượng insulin được các bác sỹ tính toán sao cho phù hợp với đặc điểm bệnh lý của từng bệnh nhân cũng như chế độ ăn và tập luyện. Tuy nhiên, một số bệnh nhân ăn quá ít tinh bột hoặc hoạt động thể chất quá mức có thể gây hạ đường huyết. Một nguyên nhân thường gặp khác có thể gây hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường típ 1 là tiêm sai insulin. Bệnh nhân có thể tiêm liều quá cao, quá xa bữa ăn hoặc kỹ thuật tiêm sai dẫn đến việc hấp thu insulin vào cơ thể quá nhanh cũng dẫn đến hạ đường huyết.
Nguồn: [Link nguồn]
Cô gái hồi sinh sau biến chứng bệnh tiểu đường thú nhận, để đối phó với áp lực công việc, cô thường xuyên uống trà sữa, có ngày cô uống tới 2 - 3 cốc...