Khánh kiệt cả gia tài chỉ để mua giấc ngủ
Hơn mười năm nay anh bị chứng mất ngủ liên miên. Để có thể chợp mắt được vài tiếng anh phải uống thuốc thường xuyên. Tháng nào anh cũng chi từ 1 đến 2 triệu đồng tiền thuốc.
Tự nhiên mất ngủ triền miên
Chúng tôi gặp anh Phạm Thành Văn (Ninh Bình) tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Anh Văn là bệnh nhân ruột của khoa thần kinh. Hàng tháng, anh phải ra bệnh viện để khám và lấy thuốc về điều trị. 11 năm nay anh uống thuốc đều đặn.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Văn không giấu được nỗi buồn của gia đình. Anh năm nay 41 tuổi. Từ năm 2001, anh không hiểu vì lý do gì mà mất ngủ liên miên. Nhiều lần bác sĩ hỏi nguyên do dẫn đến mất ngủ nhưng anh thực sự không biết. Công việc nhà nông cũng chẳng có gì là áp lực nên nguyên nhân stress đã được loại bỏ. Người ta chỉ kết luận chung anh bị trầm cảm nặng.
Ban đầu anh ngủ ít 3 -4 tiếng mỗi ngày rồi dần dà chuyển sang không ngủ hẳn. Thiếu ngủ nên lúc nào anh cũng mệt mỏi không làm được việc gì. Thời gian đó, vợ anh cho rằng chồng ỉ lại công việc nên thường chì chiết chồng. Nhưng về sau, chị thấy chồng đang khổ sở vì không ngủ được nên chị cũng không dằn vặt anh.
Bệnh nhân khám tại khoa khám bệnh tự nguyện - BV Bạch Mai
Từ khi mắc chứng mất ngủ, anh uống đủ các loại thuốc nam, thuốc bắc. Anh mách thầy nào, vợ chồng anh lại lóc cóc tìm đến xin thuốc về uống.
Có những lần, anh chị lên hẳn Yên Bái, Thái Nguyên chữa bệnh nhưng không ăn thua. Sau này, anh mới ra bệnh viện điều trị bằng tân dược.
Hơn mười năm anh chỉ cầm đơn thuốc được chẩn đoán bằng 2 từ trầm cảm. Không ai biết chứng trầm cảm do đâu, chỉ biết anh mất ngủ quá nhiều, thiếu thuốc là không ngủ được. Bệnh lại không rõ nguyên nhân nên anh không thể thiếu thuốc.
Anh Văn kể ngày đầu bệnh nặng hơn nên thuốc đắt và phải uống nhiều. Mỗi ngày toàn tiền thuốc đã mất 70 nghìn đồng. Vợ anh thường tếu táo cứ 10 nghìn đồng cho một giờ anh ngủ.
Mất ngủ nên anh cứ gày xọp đi. Từ chỗ nặng 68 kg giờ đây anh chỉ còn 50 - 51 kg. Có thời gian, anh không có tiền mua thuốc đành trơ trơ nhìn trời sáng. Người ta bảo đêm không ngủ thì ngày ngủ, nhưng anh Văn không thể tự co kéo mi mắt của mình nhắm lại được. Mất ngủ khiến việc lao động của anh khó khăn. Nhà chỉ làm nông nên cả tháng hai vợ chồng anh tiết kiệm mọi chi phí để lấy thuốc.
Làm thuê cả năm mua giấc ngủ
Vài năm nay, vợ anh Văn lại mắc thêm bệnh viêm khớp nên không làm ruộng được. Hai vợ chồng anh Văn chuyển lên thành phố buôn đồng nát. Mỗi ngày thu nhập cả hai vợ chồng được khoảng 200 nghìn đồng. Anh chị trừ chi phí, thuê nhà và gửi về cho con đi học chỉ để ra được khoảng 2 triệu cho anh Văn ra Hà Nội lấy thuốc.
Có những hôm, anh Văn chán nản mua liều thuốc ngủ về uống để tự tử nhưng anh không tài nào tự tử được bằng loại thuốc này. Vợ anh biết chồng chỉ muốn tìm đến cái chết anh chị thường động viên chồng "sướng - khổ cùng nhau cam chịu".
Đây là đơn thuốc rẻ nhất của anh Văn trong mười năm qua
Cho đến nay, động lực duy nhất để anh uống thuốc hàng đêm đó là hai đứa con của anh. Hai cháu đều là học sinh giỏi. Cầm đơn thuốc, nước mắt người cha như muốn trào ra. "Mắc bệnh gì cũng khổ, người ta bị bệnh còn chữa được đằng này chỉ mất ngủ thôi mà mãi mãi sống chung với nó. Cả gia đình khánh kiệt để mua cho tôi mỗi tối vài tiếng chợp mắt".
Anh Văn nghe nhiều người kể ra ngoài nhà thuốc khác mua thuốc, cùng loại thuốc đó nhưng rẻ hơn cả trăm nghìn, anh cũng mang đơn thuốc bệnh viện kê cho ra nhà thuốc bên ngoài mua. Anh Văn bảo "Rẻ hơn 30 %, thuốc cùng tên, cùng nước sản xuất nhưng uống vào lại không ngủ được nên anh sợ không mua ở bên ngoài".
Mỗi tháng 1 ngày anh đi xe ô tô từ 5 giờ sáng từ Ninh Bình ra Hà Nội để khám bệnh. Khám bệnh xong mua thuốc anh lại đi bộ ra bến xe Giáp Bát đi về nhà. Bác sĩ khuyên anh Văn nên thoải mái làm việc, giám áp lực nhưng anh Văn chỉ cười vì hoàn cảnh của anh khó mà không lo lắng tiền nong hàng tháng. Có lẽ vì thế mà bệnh của anh không thuyên giảm.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình - Khoa tâm thần kinh, bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết mất ngủ không phải bệnh mà là triệu chứng, hậu quả của nhiều yếu tố khác nhau. Mất ngủ kéo dài kết hợp với stress dễ dẫn đến suy nhược cơ thể, giảm sức đề kháng. Mất ngủ kéo dài là yếu tố nguy cơ gây trầm cảm nặng.
Tiến sĩ Bình khuyên trước tiên phải phòng nguy cơ có hại bằng cách sắp xếp hợp lý giữa lao động và nghỉ ngơi, tăng cường tập luyện thể dục, thể thao, giải trí, tăng cường chất xơ, vitamin trong bữa ăn. "Rèn luyện về tinh thần sẽ cho ta khả năng phản ứng phù hợp và hiệu quả với các yếu tố gây stress. Chính cách chúng ta suy nghĩ tiêu cực về những điều đã hoặc sẽ xảy ra đem đến cho mình rất nhiều căng thẳng, làm tăng sinh chuỗi phản ứng gốc tự do.