Kháng thể giảm, thứ khác tăng bất ngờ: "3 mũi" chống được Covid-19 lâu dài
Nghiên cứu của Úc cho thấy mặc dù một số phần của phản ứng miễn dịch có được do mắc Covid-19, hay tiêm chủng suy yếu theo thời gian, nhưng lượng tế bào T thì vẫn cao hơn gấp 10 lần sau 1 năm, nếu đem so với người chưa từng bệnh hay tiêm.
Công trình được thực hiện bởi Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty (gọi vắn tắt là Viện Doherty, Melbourne, Úc), đã chứng minh được vai trò của miễn dịch tế bào chống lại Covid-19 sau khi mắc bệnh hoặc tiêm chủng.
Trước đó, nhiều nghiên cứu cho thấy lượng kháng thể có được do vắc-xin hay mắc bệnh thường giảm đi theo thời gian, đem đến nhiều lo ngại rằng đại dịch khó kết thúc hoặc chúng ta sẽ phải tiêm đi tiêm lại liên tục. Nhưng ngày càng nhiều công trình cho thấy với tình trạng nhiễm trùng trước đó và số mũi tiêm hợp lý, chúng ta có thể được bảo vệ lâu dài nhờ miễn dịch tế bào.
Vắc-xin Covid-19 không chỉ tạo ra kháng thể mà còn kích hoạt mạnh mẽ các tế bào T giúp tạo ra miễn dịch tế bào lâu dài, bền vững (Ảnh minh họa từ Internet)
Tờ Medical Xpress trích dẫn lời tiến sĩ Jennifer Juno của Đại học melbourne, thành viên nghiên cứu tại Viện Doherty, tác giả chính của bài báo, cho rằng mặc dù phản ứng miễn dịch "co lại" ngay sau khi mắc Covid-19 và khỏi bệnh, nhưng hoạt động của các tế bào T ổn định sau 6 tháng và duy trì mức độ sau 15 tháng.
Phản ứng tương đương cũng được ghi nhận ở người tiêm ngừa Covid-19 đủ số mũi cơ bản.
Nhìn chung, việc từng được kích hoạt phản ứng miễn do bệnh hay tiêm chủng giúp lượng tế bào T cao hơn gấp 10 lần sau 1 năm nếu đem so với người chưa từng bệnh hay tiêm.
Nếu người đã mắc bệnh rồi lại được tiêm chủng, mức độ tế bào T được thúc đẩy cao hơn 30 lần so với trước đây.
Tương tự, ở người được tiêm liều tăng cường (thường là mũi thứ 3), liều tiêm này cũng đem đến phản ứng "đáng kinh ngạc" trong việc kích hoạt lại phản ứng của các tế bào T, đưa mức miễn dịch tế bào lên cao trở lại y như giai đoạn vừa tiêm xong các mũi cơ bản.
Khả năng miễn dịch này cũng đem lại giá trị tương tự miễn dịch nhờ lượng kháng thể dồi dào sau tiêm chủng: giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm độ nặng của bệnh nếu lỡ mắc.
Tế bào T vốn là một dạng tế bào miễn dịch quan trọng của cơ thể. Trong khi các tế bào B chịu trách nhiệm sản xuất các kháng thể nhận biết SARS-CoV-2, thì các tế bào T đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của phản ứng tế bào B. Nếu không có sự trợ giúp của tế bào T, tế bào B sẽ không thể tạo ra lượng lớn kháng thể có thể liên kết với virus và ngăn chặn chúng.
Các thông tin trên vừa được công bố trên tạp chí Nature Immunology.
Trước đó, một nghiên cứu của Đại học New South Wales (Sydney - Úc) cũng cho thấy 3 mũi là con số lý tưởng để kích hoạt hệ thống miễn dịch tối đa và lâu dài; mũi thứ tư sẽ chỉ cần cho những đối tượng đặc biệt, ví dụ người suy giảm miễn dịch do bệnh lý hay tuổi tác. Tại Việt Nam, "mũi 3" cũng được phân làm 2 loại: là mũi tăng cường ở người khỏe mạnh; nhưng chỉ mới là mũi bổ sung ở người bị suy giảm miễn dịch chứ chưa coi là mũi tăng cường nên riêng nhóm này có thể sẽ cần thêm mũi thứ tư với vai trò là mũi tăng cường. |
Nghiên cứu mới từ Mỹ đã đưa ra bằng chứng đáng mừng cho thấy liều tăng cường vắc-xin COVID-19 có thể giúp người được tiêm chống lại biến thể Omicron tốt gần bằng Delta.
Nguồn: [Link nguồn]