Khám sức khỏe trước khi kết hôn, nên không?

Trước đề xuất này của TP.HCM, có ý kiến cho rằng nên đưa vào quy định bắt buộc vì tính nhân văn trong việc bảo vệ nòi giống tương lai nhưng cũng có người lo ngại những hệ lụy của nó.

“Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, UBND TP.HCM có góp ý bổ sung nội dung kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các cặp nam nữ khi tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn” - ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM (ảnh), cho biết.

Khám sức khỏe trước khi kết hôn có thực sự cần thiết?

Ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM

. Phóng viên: Thưa ông, xuất phát từ đâu mà Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM đề xuất việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cho các cặp nam, nữ trước khi đăng ký kết hôn?

+ Ông Trần Văn Trị: Khám sức khỏe tiền hôn nhân là nội dung trọng tâm của công tác dân số trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ khám cho cặp nam nữ sau này trở thành vợ chồng mà còn là khám cho đứa con trong tương lai.

Hiện nay, theo khảo sát của ngành DS-KHHGĐ, tỉ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ khá cao. Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân thì sẽ biết vô sinh do ai và từ đó tiến hành điều trị trước khi kết hôn.

Bên cạnh đó, người chồng và người vợ có thể mang gen bệnh là gen lặn nên không phát bệnh ra. Thế nhưng khi sinh con thì một tỉ lệ nào đó mang cả hai gen bệnh của cha mẹ và phát bệnh. Thí dụ: Bệnh thiếu máu tán huyết di truyền thể nặng (β-Thalassemia). Các bệnh truyền nhiễm mà người mẹ mắc khi mang thai có thể khiến cho thai nhi bị dị tật rất nặng, điển hình là bệnh Rubella.

Ngoài ra, các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể truyền từ mẹ sang con như HIV/AIDS, viêm gan B, giang mai. Trong đó, giang mai là bệnh có thuốc đặc trị. Nếu có vi khuẩn giang mai trong máu sẽ tiến hành điều trị trước khi kết hôn 3-6 tháng để tránh đứa bé sinh ra bị giang mai bẩm sinh.

Kham suc khoe truoc khi ket hon

Bác sĩ chuyên ngành nam khoa đang thăm khám sức khỏe cho một thanh niên chuẩn bị kết hôn. Ảnh: TRẦN NGỌC

Hiện nay, khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc. Thông qua việc tuyên truyền vận động nhằm nâng cao kiến thức và ý thức về ích lợi của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cho các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn.

. Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm những gì và khám ở đâu?

+ Khám sức khỏe tiền hôn nhân chủ yếu là khám về sức khỏe sinh sản, vô sinh, các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh lây qua đường tình dục.

Có nên khám sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn?

Nam có thể khám tại các BV Bình Dân, ĐH Y Dược, Hùng Vương, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM… Nữ có thể khám tại các bệnh viện quận, huyện, Từ Dũ, Hùng Vương, Mê Kông, Phụ sản quốc tế, các bệnh viện có khoa sản, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM…

. Người khám sức khỏe tiền hôn nhân có phải trả tiền không?

+ Hiện nay, khám sức khỏe tiền hôn nhân hoàn toàn tự nguyện và người đi khám phải tự chi trả chi phí. Tuy nhiên, TP.HCM có chính sách đặc thù dành cho thành viên hộ nghèo và hộ cận nghèo theo Quyết định số 04/2014 của UBND TP.HCM. Cụ thể: Thành viên hộ nghèo được miễn 100%. Thành viên hộ cận nghèo được giảm 50%.

. Xin cám ơn ông.

Theo khảo sát của ngành DS-KHHGĐ, tỉ lệ vô sinh hiện nay của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 10%, trong đó 40% do người chồng, 40% do người vợ, 10% do cả hai người và 10% chưa rõ nguyên nhân.

Ông NGUYỄN VĂN TIÊN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Tôi tán thành vì rất nhân văn

Quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân tôi nghĩ rất cần thiết và trong dự thảo Luật Dân số sắp tới chắc chắn sẽ đưa vào. Tuy nhiên, có thể quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân ở một số vùng. Còn những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thì nên khuyến khích vì không có điều kiện khám sức khỏe, xét nghiệm máu… Cần phải cân nhắc xem xét để đảm bảo quy định pháp luật được thực hiện một cách thuận lợi và có hiệu quả.

Có ý kiến cho rằng khám sức khỏe là quyền của cá nhân, không ai được can thiệp. Con tôi sinh ra có gì tôi nuôi. Tuy nhiên, không đơn giản như vậy. Con sinh ra bị tàn tật nếu cha mẹ không nuôi nổi thì phải dựa vào phúc lợi nhà nước. Điều này gây tốn kém cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tôi tán thành quan điểm bắt buộc nam, nữ trước khi kết hôn phải khám sức khỏe để bảo vệ giống nòi tương lai là rất nhân văn. Khi các cặp vợ chồng biết đang mang bệnh thì họ biết cách phòng chống, đồng thời quyết định sinh con hay không. Việc làm này mang lại lợi ích trước mắt cho chính cặp vợ chồng.

Ông NGUYỄN VĂN TÂN, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế):

Chỉ nên khuyến khích

Trước hết phải khẳng định việc nam, nữ phải khám sức khỏe trước khi kết hôn là cần thiết. Tuy nhiên, thực hiện ở mức độ nào, quy định thành nội dung có tính bắt buộc hay khuyến khích thì hiện nay vẫn có hai luồng ý kiến. Khi soạn thảo Luật Dân số thì có người đồng ý đưa nội dung khám sức khỏe trước khi kết hôn vào tính bắt buộc.

Riêng quan điểm cá nhân, tôi cho rằng liên quan đến quyền con người thì không bắt buộc mà chỉ khuyến khích. Đồng thời tạo điều kiện để các cặp nam nữ tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn. Việc khuyến khích vừa đạt được mục tiêu, vừa đảm bảo được quyền cá nhân.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Coi chừng nhiều hệ lụy

Nếu quy định bắt buộc nam, nữ khám sức khỏe trước khi kết hôn thì lại mất nhiều hơn được. Cái được là nâng cao chất lượng dân số, còn cái mất thì khá nhiều.

Nếu có quy định bắt buộc e là sẽ dẫn đến tình trạng nam, nữ không khám sức khỏe tiền hôn nhân thì không được kết hôn. Điều này vi phạm quyền tự do cá nhân. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp nam, nữ kết hôn nhưng không có nhu cầu sinh con. Do vậy cũng không cần khám sức khỏe để tránh đứa con sinh ra bị khiếm khuyết. Chưa hết, nếu quy định không khám sức khỏe không cho kết hôn thì sẽ xảy ra thực trạng nam, nữ sống chung không cần hôn thú. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến vấn đề tranh chấp con cái, phân chia tài sản… Quan hệ hôn nhân cũng sẽ phức tạp hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Ngọc (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN