Khám họng phát hiện ung thư máu

Sự kiện: Ung thư

"Cháu Nhi bị sốt và ho suốt một tuần không khỏi. Sau khi đi khám gia đình mới té ngửa cháu bị ung thư máu”, chị Nguyễn Thị Nền (Yên Khánh, Ninh Bình) rớt nước mắt chia sẻ.

Dễ bị nhầm tưởng sang bệnh khác

Bệnh nhi Trần Phương Nhi, 19 tháng tuổi có biểu hiện ho, sốt kéo dài một tuần. Gia đình cho uống các loại kháng sinh mà bệnh vẫn không thuyên giảm.

Lo lắng, chị Nền đưa con đến khám tai mũi họng. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ cháu Nhi bị ung thư máu và chuyển đến Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ thông báo cháu Nhi bị ung thư máu.

Khám họng phát hiện ung thư máu - 1

Cháu Trần Phương Nhi (19 tháng tuổi) điều trị ung thư máu suốt 13 tháng tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương

Chị Nền cho biết, suốt 13 tháng nằm viện, cháu Nhi ăn ít, không lên cân. Lúc 5 tháng cháu Nhi được hơn 8,5 kg và bây giờ (19 tháng) vẫn chỉ 8,5kg. Hiện tại, cháu Nhi gầy rộc, xanh xao, đứng không vững.

Tại phòng 605, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, anh Bùi Chí Trung (Hà Đông, Hà Nội), bố của bệnh nhi Bùi Thị Ngọc chia sẻ, bệnh của cháu Ngọc nặng do phát hiện muộn. Gia đình cũng không biết các dấu hiệu điển hình của bệnh để cho cháu đi khám sớm. Ban đầu Ngọc bị sốt, ho nên tự mua thuốc về uống. Một tuần sau, bệnh của Ngọc không đỡ, môi bỗng trắng nhợt. Gia đình đưa đi cấp cứu, các bác sĩ kết luận cháu bị ung thư máu thể bạch cầu cấp. Đến nay, sau hai đợt điều trị, tóc của Ngọc đã rụng gần hết, chỉ còn lơ phơ vài lọn.

Khám họng phát hiện ung thư máu - 2

Sau hai đợt truyền hóa chất, tóc của cháu Ngọc đã rụng gần hết

"Bác sĩ đã nhiều lần gọi sang nói về sức khỏe của cháu và nói gia đình chuẩn bị tâm lý. Còn nước còn tát nên gia đình vẫn cố chạy chữa", anh Trung ngậm ngùi.

Ung thư máu không có dấu hiệu điển hình

Theo BS Mai Lan, Trưởng khoa Bệnh máu trẻ em, Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương, khoa đang điều trị cho 100 cháu. Trong số này,  khoảng 60-70% bệnh nhi ung thư máu đều phát hiện muộn.

Trẻ mắc bệnh nhưng các gia đình nhầm tưởng con chỉ mắc những bệnh thông thường, tự mua thuốc về uống, không đi khám và đến khi bệnh đã nặng thì rất khó điều trị.

Cùng quan điểm với BS Lan, BS Vũ Thị Hồng Phúc, Khoa Bệnh máu trẻ em- người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhi cũng cho biết, trẻ nhỏ mắc ung thư máu ít có biểu hiện gì đặc trưng, nhất là đối với trẻ vài tháng tuổi thường chỉ sốt nhẹ. Rất nhiều phụ huynh chủ quan nghĩ con mọc răng, không đi khám đến khi xét nghiệm máu mới phát hiện con mắc bệnh thì diễn tiến bệnh đã rất nhanh, bạch cầu giảm mạnh. Những bệnh nhân thể nặng chỉ có thể điều trị duy trì để ngăn ngừa sản sinh tế bào ung thư máu chứ không thể chữa khỏi.

Bệnh ung thư máu không có biểu hiện điển hình. Do đó, phụ huynh có thể căn cứ vào một vài dấu hiệu dưới đây để nhận biết ung thư máu ở trẻ như: Sốt kéo dài, vã mồ hôi về ban đêm. Trẻ thường xuyên mệt mỏi, xanh xao, sút cân. Tay chân xuất hiện các vết bầm tím kèm theo đau đầu buồn nôn....

Nếu những triệu chứng này xuất hiện kéo dài vài ngày hoặc vài tuần thì cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thông thường, nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm trẻ có nhiều cơ hội được cứu sống. Việc chữa trị là sự kết hợp giữa hóa trị, phẫu thuật… tùy theo dạng bệnh và lứa tuổi. Trẻ càng được điều trị sớm thì càng có nhiều cơ hội khỏi hoàn toàn và phát triển bình thường.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, tái khám định kỳ là một việc hết sức quan trọng trong điều trị ung thư máu. Bác sĩ sẽ tiếp tục kiểm tra bệnh nhân chặt chẽ để đảm bảo ung thư không tái phát.

Ung thư máu hay còn gọi là bệnh bạch cầu cấp là một bệnh ác tính của tế bào tiền thân tạo huyết. Tế bào ác tính mất khả năng trưởng thành và biệt hóa. Những tế bào này tăng sinh một cách không kiểm soát được và rồi thay thế hoàn toàn các phần tử bình thường của tủy xương.

Đây cũng là căn bệnh ung thư duy nhất không tạo ra u (ung bướu). Hiện nay căn bệnh này đã có một số biện pháp điều trị nhưng hiệu quả không cao.

Đa số bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp có tình trạng ốm yếu, da xanh xao, xuất huyết dưới da, niêm mạc, chảy máu lợi, chảy máu cam, phụ nữ bị rong kinh (cũng có trường hợp đi khám vì sưng lợi nặng và đau sưng khớp, các dấu hiệu nhiễm khuẩn). Xét nghiệm máu thấy giảm 3 dòng tế bào ngoại biên.

Về điều trị: Bệnh bạch cầu cấp trước đây cho là nan y nhưng nay thì chữa được và có tiềm năng khỏi hẳn bằng hóa trị phối hợp và ghép tủy. Tuy nhiên việc điều trị cũng rất tốn kém và lâu dài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN