Khả năng bảo vệ của loại vắc-xin COVID-19 đang dùng ở Việt Nam như thế nào?

Sự kiện: Vắc-xin COVID-19

Theo nhà sản xuất AstraZeneca, vắc-xin có thể giảm nguy cơ mắc COVID-19 trung bình 82% sau 2 mũi, đồng thời giảm nguy cơ lan truyền mầm bệnh, bệnh nặng và tử vong ở người mắc bệnh sau khi đã tiêm ngừa.

Khi đưa vắc-xin AstraZeneca (sản phẩm hợp tác giữa hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford, tên ban đầu là ChAdOx1 nCoV-19) ra thị trường, hãng AstraZeneca đã công bố những chi tiết công khai liên quan đến tác dụng của vắc-xin phòng COVID-19 này.

Đây là loại vắc-xin được sử dụng để tiêm phòng COVID-19 ở Việt Nam từ đầu chiến dịch cho đến nay.

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM - Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM - Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo phân tích từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của vắc-xin AstraZeneca đăng tải trên tạp chí khoa học Lancet hồi tháng 3-2021, dựa trên 17.177 người tham gia tại Anh, Brazil và Nam Phi cho thấy vắc-xin này cho hiệu quả phòng bệnh trung bình là 76% (từ 59%-86%, tùy khả năng miễn dịch của từng người) sau liều đầu tiên. Với khoảng cách 2 liều từ 12 tuần trở lên, vắc-xin này cho hiệu quả bảo vệ trung bình 82% (từ 63-92%).

Ngoài việc giảm khả năng phòng bệnh, nghiên cứu còn cho thấy tiềm năng của vắc-xin trong việc giảm đáng kể sự lây truyền của virus ở người đã tiêm mà vẫn mắc bệnh nhưng không triệu chứng, do giúp giảm tải lượng virus trong dịch hầu họng của các tình nguyện viên (sau 1 mũi giảm còn trung bình 67%, sau 2 mũi giảm còn 50% so với người chưa chích).

Đến ngày 22-3, AstraZeneca tiếp tục công bố thử nghiệm dựa trên 32.339 người tham gia với 141 người mắc COVID-19 có triệu chứng, nhằm xem thử khả năng làm cho bệnh nhẹ đi của vắc-xin. Kết quả cho thấy vắc-xin này ngăn ngừa được tới 79% các ca bệnh COVID-19 có triệu chứng, ngăn ngừa triệt để các ca bệnh nặng phải nhập viện (tại Anh thời điểm đó, chỉ những ca COVID-19 nặng mới nhập viện điều trị, hầu hết các ca nhẹ được theo dõi tại nhà).

Sau một thời gian dài được áp dụng, vắc-xin này tiếp tục được đánh giá trong một nghiên cứu dẫn đầu bởi  nhà dịch tễ học và tư vấn y tế Jamie Lopez Bernal từ cơ quan Y tế công cộng Anh, công bố hồi tháng 5 trên BMJ. Kết quả dựa trên tình nguyện viên cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc-xin xuất hiện và tăng dần từ ngày 14-20 sau tiêm chủng, đạt trung bình 60% trong khoảng thời gian 28-34 ngày sau tiêm, tăng lên trung bình 73% từ ngày thứ 35 trở đi. Những người có miễn dịch tốt nhất có thể đạt mức bảo vệ 90%.

Như vậy, như nhiều chuyên gia dịch tễ trong nước đã phân tích ngày từ ngày đầu triển khai vắc-xin, vắc-xin này cũng như mọi vắc-xin COVID-19 khác có giá trị giảm nguy cơ nhiễm bệnh, chứ không phải bảo vệ 100%. Ngoài ra, nó giúp tăng cơ hội trải qua bệnh COVID-19 nhẹ như một cơn cảm cúm thông thường, thậm chí không triệu chứng, từ đó hướng tới việc dễ dàng "sống chung" với bệnh khi độ bao phủ vắc-xin tăng cao nhờ giảm số ca mắc, hạn chế tối đa ca nặng. Do đó rất cần duy trì 5K song song với vắc-xin cho đến khi độ bao phủ đủ tạo một hàng rào bảo vệ cộng đồng an toàn.

22 nhân viên y tế BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mắc COVID-19: Cảnh giác dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin

Các chuyên gia khuyến cáo dành cho những người đã được tiêm vắc-xin COVID-19.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Anh ([Tên nguồn])
Vắc-xin COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN