Hy hữu: Song sinh nhưng là con của hai ông bố
TS.BS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ, có những ca song sinh nhưng là con của hai ông bố khác nhau. Nó xảy ra khi người phụ nữ đó rụng 2 quả trứng/chu kỳ, được thụ tinh bởi 2 dòng tinh trùng khác nhau.
Báo GĐ&XH số 84 (ra ngày 14/7) có bài viết về trường hợp chị Lù Thị Biên (27 tuổi), dân tộc La Chí, thôn Bản Pắng, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang sinh hai con cách nhau 1 tháng. Theo TS. BS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đây là trường hợp quá đặc biệt và may mắn. Liên quan đến các trường hợp bất thường trong sản khoa, TS. BS Nguyễn Duy Ánh cho biết, tỷ lệ dị dạng đường sinh dục chiếm khoảng 2,5%o trong dân số.
Khi mang thai, phụ nữ cần đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường. ảnh: Dương Ngọc
Trường hợp chị Biên là rất hi hữu
TS.BS Nguyễn Duy Ánh cho biết, điều đáng ngạc nhiên là sản phụ này sinh thường, mẹ cùng 2 con dù sinh cách nhau một tháng đều khỏe mạnh. Chị Biên lại có đủ sữa để nuôi hai cháu.
Lý giải cụ thể hơn, TS. BS Nguyễn Duy Ánh nói: Đây là hiện tượng đã từng gặp trên thế giới. Ở trong nước, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có những ca tương tự. Cách đây không lâu, các bác sĩ tại bệnh viện đã tiếp nhận một sản phụ mang song thai tại một tử cung, hai thai thuộc 2 buồng ối khác nhau. “Khi một thai đã bị đẻ non, tuột ra ngoài, chúng tôi phải quyết tâm, điều trị để giữ thai còn lại. Nhưng rất tiếc, sau gần 1 tháng, thai thứ 2 đã bị nhiễm trùng, sản phụ sốt cao, chúng tôi không giữ được thai đó”, TS. BS Nguyễn Duy Ánh nói.
Ở góc độ chuyên môn, TS. BS Nguyễn Duy Ánh cho rằng, khi sản phụ đã sinh xong thai thứ nhất thì nguy cơ thai thứ 2 bị nhiễm trùng rất cao. Bởi sau khi sinh thai thứ nhất, sản phụ sẽ có sản dịch do những vết sây sát đường sinh dục. Đây là môi trường rất dễ nhiễm trùng. Nếu hai thai ở trong một tử cung, khi thai thứ nhất sinh xong, tử cung sẽ co bóp mạnh cho rau của thai thứ 2 bị bong, gây suy thai. “Do đó trong sản khoa, chúng tôi phải xử lý để lấy thai thứ 2 ra ngay lập tức chứ không ai có ý giữ thai kia lại để chờ đợi thêm cho dù có đẻ non hay không. Sản phụ Lù Thị Biên chắc hẳn có sức đề kháng quá tốt nên mới giữ được thai thứ 2 trọn vẹn một cách tự nhiên như thế”, TS. BS Nguyễn Duy Ánh cho hay.
Trường hợp của chị Biên, TS. BS Nguyễn Duy Ánh cho rằng, chị Biên có một tử cung, hai thai nằm trong 2 buồng ối khác nhau. Đây là ca sinh đôi khác trứng. Chị Biên rất may mắn khi sinh cháu thứ nhất, tử cung co bóp không mạnh, không đủ để làm bong rau, đẩy thai thứ 2 ra. Do đó, đây là trường hợp rất hi hữu.
Một trong những trường hợp hi hữu khác cũng được TS.BS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ, có những ca song sinh nhưng là con của hai ông bố khác nhau. Nó xảy ra khi người phụ nữ đó rụng 2 quả trứng/chu kỳ, được thụ tinh bởi 2 dòng tinh trùng khác nhau.
Vừa mang thai vừa xuất hiện “đèn đỏ”
Cũng liên quan đến các trường hợp bất thường trong sản khoa, TS. BS Nguyễn Duy Ánh đề cập đến các trường hợp tử cung đôi. Theo đó, tỷ lệ dị dạng đường sinh dục chiếm khoảng 2,5%o trong dân số. Trong đó dị dạng tử cung đôi chiếm khoảng 0,5%o, tức là cứ một vạn ca sinh thì có 5 ca có tử cung đôi. Tử cung đôi là một dị dạng sinh dục, do trong quá trình hình thành bộ phận sinh dục khi còn là bào thai bị bất thường. Theo lẽ thường, trong quá trình phân chia ống sinh dục, đáng ra chỉ phân chia làm một thì với những người bất thường lại phân chia làm đôi.
Với những trường hợp mang tử cung đôi, người phụ nữ vừa khó mang thai, vừa khó sinh thường. Nếu 2 tử cung cùng mang thai thì chúng sẽ chèn nhau trong quá trình mang thai, khi chuyển dạ sẽ không thai nào ra được, buộc bác sĩ phải mổ bắt thai.
TS. BS Nguyễn Duy Ánh cho biết: Trên thực tế, có những người có tử cung đôi cùng mang thai ở cả hai tử cung. Có những trường hợp tử cung đôi chỉ mang thai ở một tử cung. Nhưng cũng có những trường hợp một tử cung nhưng mang đa thai. Với những trường hợp này, các bác sĩ phải xử lý đồng thời đưa tất cả các thai ra, không giữ lại bất kỳ thai nào. “Trừ trường hợp đặc biệt khi sản phụ quá hiếm muộn, thai đầu đẻ non ra rồi, thai thứ 2 mắc lại ở tử cung thì người ta cố giữ thai đó để xem nó trưởng thành hay không. Thai nhi của những người có tử cung đôi vẫn phát triển, tuy nhiên em bé có nguy cơ nhẹ cân, còi cọc. Do những tử cung này sức chứa, sức chịu đựng kém hơn, sản phụ thường đẻ non”, TS. BS Nguyễn Duy Ánh nói.
Ngoài ra, không ít người thắc mắc, liệu một người có thể vừa mang thai vừa xuất hiện “đèn đỏ” hay không? TS. BS Nguyễn Duy Ánh cho rằng: Rất có thể! Bởi với những người có tử cung đôi, họ chỉ mang thai ở một bên tử cung, tử cung còn lại có niêm mạc, chịu tác động của nội tiết nên có xuất hiện “đèn đỏ” trong những tháng đầu mang thai. Đến khi ổn định nội tiết cơ thể thì hiện tượng này sẽ hết dần. “Nhiều người không biết mình bị dị dạng đường sinh dục, có tử cung đôi, khi thấy máu ra trong khi mang thai lại nghĩ là dấu hiệu dọa sẩy, nhưng thực chất là máu của tử cung bên kia. Chúng tôi vẫn thường xuyên gặp những trường hợp này…”, TS. BS Nguyễn Duy Ánh cho biết.
“Trường hợp của sản phụ Lù Thị Biên rất hi hữu, đặc biệt và rất may mắn. Qua trường hợp này, y tế cơ sở cần lưu ý nhiều hơn nữa đến việc tuyên truyền, động viên thai phụ đi thăm khám thai định kỳ, bởi những trường hợp như chị Lù Thị Biên xác suất tử vong rất cao”. TS.BS Nguyễn Duy Ánh |