Hy hữu: Kính cận vỡ nhiều mảnh, bé trai suýt vỡ giác mạc
Bệnh nhân Đ.Đ.M (11 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện 14h ngày 9/3 trong tình trạng mắt trái đau nhức và nhìn mờ.
Bé trai bị kính cận vỡ, đâm vào mắt.
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 9/3, trong lúc bé M đùa chơi ở trường học, vô tình chạy qua chỗ các bạn đang tháo nghịch một chiếc bàn học bị hỏng. Các bạn gỡ lấy được một chiếc que, không may đập vào mắt trái của bé M khiến kính cận của M vỡ. Các mảnh kính vỡ đã găm vào mắt của M. Bé M đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện E.
BS Nguyễn Thị Phương Thảo – khoa Mắt, Bệnh viện E cho biết, sau khi khám cho M, các bác sĩ xác định, M bị rách giác mạc ở nhiều vị trí, vết rách dài nhất khoảng 5mm, từ rìa giác mạc vị trí 1 giờ về phía trung tâm có nhiều mảnh kính nhỏ găm vào giác mạc. Các cấu trúc của nhãn cầu phía sau khó quan sát. Các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu cho bệnh nhân để lấy dị vật trong giác mạc và khâu phục hồi trong nhãn cầu. Ca phẫu thuật tiến hành trong vòng 1 giờ. Các bác sĩ lấy được dị vật là nhiều mảnh kính nhỏ nằm trong lớp giác mạc bị rách. Các bác sĩ tiến hành làm sạch vết thương, khâu bảo tồn giác mạc… BS Thảo khuyến cáo, đối với những tai nạn như vậy sẽ để lại sẹo giác mạc và giảm thị lực cho trẻ.
BS Thảo cho biết thêm, tai nạn học đường liên quan đến mắt là khó tránh khỏi, nhất là trẻ nhỏ có độ tuổi từ 6-11 rất hiếu động. Theo thống kê, có đến 90% tai nạn mắt có thể phòng tránh được, 50% chỉ đơn giản là đeo kính khi có mặt ở trong điều kiện nhạy cảm cho mắt. Tai nạn xảy ra mọi lúc mọi nơi, nhưng ở nhà là nhiều nhất 47%, khi vui chơi nhất là chơi thể thao là 15%, 16% do công việc, tai nạn giao thông là 12%, 14% là trong các hoàn cảnh khác.
Nhằm hạn chế hậu quả nghiêm trọng đối với các tai nạn về mắt khi ở trường cần đề phòng các vật dụng sắc nhọn như bút, cạnh bàn, thanh sắt… có thể gây hại nghiêm trọng cho mắt nên ý thức đề phòng bởi chúng gây hại cho mắt, đặc biệt là khi có trẻ nhỏ trong nhà.
Nếu không may bị tai nạn chấn thương mắt, bên cạnh điều trị tốn kém, không ít bệnh nhân có thể bị hạn chế khả năng nhìn hoặc mù vĩnh viễn. Vì thế, khi trẻ gặp tai nạn cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa về mắt để được điều trị kịp thời, tránh mù lòa.
Ngoài ra, tỷ lệ cận thị học đường ở trẻ ngày càng tăng thì việc sử dụng kính mắt cần được quan tâm, nhất là khi con gặp các tai nạn thương tích liên quan đến mắt.