Hút thuốc lâu năm, người đàn ông mọc lông trong cổ họng
Mỹ - Các nhà nghiên cứu ghi nhận một người đàn ông mọc lông, tóc trong cổ họng sau quá trình hút thuốc lá lâu năm.
Trường hợp hy hữu này được trình bày trên tạp chí American Journal of Case Reports vào giữa tháng 6. Bệnh nhân nam 52 tuổi, không rõ danh tính đến gặp bác sĩ năm 2007, khoảng 17 năm sau khi bắt đầu hút thuốc. Ông bị khàn giọng, khó thở và ho mạn tính.
Nội soi phế quản cho thấy tình trạng viêm và một số sợi lông trong cổ họng ở khu vực từng thực hiện phẫu thuật trước đó. Người đàn ông được chẩn đoán mọc lông nội khí quản.
Trước đó, vào năm 10 tuổi, ông suýt chết đuối và được điều trị mở khí quản để ổn định hơi thở. Bác sĩ phẫu thuật đóng vết thương bằng da và sụn từ tai. Sau đó, lông tóc đã phát triển xung quanh vị trí ghép này, khiến ông ho và khó thở. Các bác sĩ có thể nhổ những sợi lông này ra, nhưng đây không phải giải pháp lâu dài. Các sợi lông liên tục mọc lại, bệnh nhân ra vào bệnh viện trong suốt 14 năm, phàn nàn về triệu chứng lặp lại.
Kết quả chụp X-quang cho thấy vị trí mọc lông tóc trong cổ họng người đàn ông. Ảnh: American Journal of Case Reports
Thông thường, cổ họng ông có 6 đến 9 sợi lông 5 cm, một số sợi mọc dài qua cuống họng, đến miệng. Bên cạnh cắt bỏ lông, người đàn ông còn được điều trị bằng kháng sinh vì lông có nhiều vi khuẩn.
Đến năm 2022, bác sĩ đã tìm ra cách điều trị triệt để tình trạng này. Họ yêu cầu bệnh nhân ngừng hút thuốc, thực hiện đông máu huyết tương argon nội soi - đốt cháy gốc tóc đang mọc.
Hiện Mỹ có 28,3 triệu người hút thuốc, song rất ít người bị mọc lông nội khí quản. Bác sĩ cho biết đây là trường hợp thứ hai được báo cáo. Trong ca bệnh của người đàn ông, nhóm bác sĩ tin rằng nguyên nhân là thói quen hút thuốc. Khói thuốc gây viêm mô cổ họng, có thể khiến tế bào gốc biến thành nang lông, từ đó tạo điều kiện cho lông tóc phát triển.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà nghiên cứu từ UCL, Viện Francis Crick và AstraZeneca đã phát hiện ra lý do khiến phương pháp điều trị đích đối với bệnh ung thư phổi không có tác dụng đối với một số bệnh nhân, đặc biệt là những người chưa bao giờ hút thuốc.