Hút thuốc lá 30 năm, quý ông 52 tuổi mang 3 bệnh ung thư cùng lúc

Sự kiện: Ung thư

Hút thuốc lá là tác nhân gây ra nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vùng đầu cổ, khoang miệng. Có bệnh nhân mắc đa ung thư vì hút thuốc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bệnh đa ung thư

Bệnh nhân Trần M.H. nam giới, 52 tuổi, quê Hà Nội có tiền sử hút thuốc, uống rượu 30 năm; bị đái tháo đường tuýp 2. Cuối năm ngoái, bệnh nhân thấy xuất hiện viêm loét amidan phải, đi khám tai mũi họng và được điều trị kháng sinh nhưng không khỏi. Sau đó 2 tháng, bệnh nhân vào khoa tai mũi họng khám. Khi đi khám lâm sàng bệnh nhân không khàn tiếng, không khó thở, không nuốt nghẹn, không sờ thấy hạch cổ.

Bệnh nhân được nội soi tai mũi họng, phát hiện tổn thương sùi loét ở amidan và xoang lê phải, nội soi thực quản - dạ dày phát hiện tổn thương u thực quản 1/3 giữa kích thước 1,5 x 2cm. Bấm sinh thiết cả ba tổn thương cho kết quả mô bệnh học của tổn thương amidan phải và xoang lê phải là ung thư biểu mô vảy kém biệt hóa, của tổn thương thực quản là ung thư biểu mô vảy sừng hóa. 

Ông H. được tiến hành chụp PET/CT chẩn đoán giai đoạn ung thư amidan và ung thư hạ họng giai đoạn cT2N2M0, ung thư thực quản giai đoạn cT2N1M0. 

Các bác sĩ đã hội chẩn và sau đó quyết định cho bệnh nhân H. chỉ định điều trị hóa xạ trị triệt căn đồng thời cả ba ung thư bằng kỹ thuật xạ trị điều biến liều. Sau khi kết thúc 2 tháng hóa xạ trị, nội soi tai mũi họng của bệnh nhân không còn tổn thương sùi loét ở amidan và xoang lê phải. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị 2 đợt hóa chất bổ trợ theo kế hoạch.

Các nghiên cứu cho thấy 3 -14% bệnh nhân ung thư vùng đầu – cổ có tổn thương kết hợp đồng thời ở vị trí khác, và các vị trí hay gặp nhất là phổi 58% và thực quản 31%. Riêng trong ung thư khoang miệng, 12,5% bệnh nhân có ung thư kết hợp ở thực quản và 8,9% ở dạ dày. Việc chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân có nhiều bệnh ung thư kết hợp đồng thời vẫn là một vấn đề khó khăn trên thế giới. 

Sau thời gian điều trị, bệnh nhân toàn trạng tốt, tăng cân, ăn uống bình thường, khô miệng và khàn tiếng nhẹ, cả ba tổn thương ung thư đáp ứng hoàn toàn, không phát hiện tổn thương tái phát, di căn trên lâm sàng, nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày-thực quản và PET/CT. 

Bệnh do thuốc lá

Theo các chuyên gia thì bệnh ung thư amidan xuất hiện chủ yếu do tuổi tác, do sử dụng thuốc lá hoặc rượu bia. Những người vừa hút thuốc vừa uống rượu thì có nguy cơ mắc bệnh ung thư amidan cao gấp đôi người bình thường.

Bình thường bộ phận họng miệng là nơi có thần kinh cảm giác chi phối, dễ gây phản ứng buồn nôn và nôn. Do đó vùng này có thể được xem là "vùng bất khả xâm phạm". Các bác sĩ rất khó quan sát và khám kỹ được.

Các dấu hiệu nhận biết

Khó nuốt: đây được xem là triệu chứng điển hình khi bạn mắc phải loại bệnh này. Việc đau đớn khi nuốt là do lúc này amidan bị sưng tấy và khi chạm với thức ăn sẽ gây ra đau. Lúc này cổ họng luôn cảm thấy vướng víu bởi đã sự xuất hiện của các cục u. Đối với giai đoạn đầu này các cục u còn nhỏ nhưng cũng gây nên nhiều khó chịu cho người bệnh.

Đau: Dấu hiệu này sẽ xuất hiện rõ rệt mỗi khi bạn ăn và ngay cả khi bạn chỉ nuốt nước bọt cũng có thể cảm thấy đau. Và cảm giác đau sẽ tăng dần theo thời gian và có thể lan đến mang tai và vùng đỉnh đầu.

Khó phát âm: Khi những cơn đau bắt đầu xuất hiện khi người bệnh sẽ gặp khó khăn trong lúc phát âm và sẽ hay bị lầm tưởng là bị viêm họng nên hay bị bỏ qua. Do đó, việc phát hiện được sớm thì khi có dấu hiệu này cần phải đi khám ngay.

Chảy máu: Nhiều trường hợp người bệnh chỉ cần khạc nhẹ hoặc ho cũng có thể ra máu. Đây có thể là dấu hiệu của ung thư amidan giai đoạn đầu và tần suất sẽ thường xuyên hơn.

Bệnh nhân có thể chủ quan nghĩ rằng các dấu hiệu trên do cảm cúm bình thường. 

Các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, nguy cơ tùy thuộc số điếu hút, số năm hút và tuổi bắt đầu hút, nghiện rượu có nguy cơ gấp 6 lần. Vừa hút thuốc vừa uống rượu có nguy cơ gấp 15 lần và thói quen quan hệ tình dục bằng miệng. Ngoài ra vệ sinh răng miệng kém, viêm nhiễm mạn tính cũng làm tăng nguy cơ ung thư amidan.

Để phòng bệnh ung thư vùng đầu cổ, cách tốt nhất là bỏ thuốc lá là biện pháp đầu tiên nên áp dụng vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư ở đầu và cổ.

Ngoài ra, tránh lại gần hoặc tiếp xúc với những người thường xuyên hút thuốc lá. Vì khói thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư ở đầu và cổ. Không quan hệ tình dục với nhiều người. Cần phải nhớ rằng virus HPV có thể lây lan trong khi quan hệ tình dục bằng miệng. Tiêm phòng virus HPV đầy đủ theo đúng lịch trình quy định. Kiểm tra sức khỏe định kì để được phát hiện bệnh sớm.

Hút thuốc lá có liên quan đến ung thư khoang miệng, cách phòng ngừa căn bệnh này

Ung thư khoang miệng là bệnh thường gặp trong các loại ung thư vùng đầu cổ. Khối u có thể xuất hiên ở lưỡi, nướu răng,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo K.C (Infonet)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN