Hút shisha: Sống ảo giác, dễ sinh ung thư

Sự kiện: Bệnh thần kinh

Hút shisha đang trở thành thú tiêu khiển “sành điệu” của giới trẻ, được quảng cáo không độc, không nicotine và hoàn toàn từ thảo dược…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hút shisha độc hại hơn nhiều so với hút thuốc lá và có thể khiến người hút sống trong ảo giác, dễ nghĩ tới việc tự tử.

Bán nhan nhản trên mạng

Theo tìm hiểu của PV, thuốc shisha hiện được rao bán rất công khai trên Internet. Người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy loại thuốc này trên các trang web như: raovat, vatgia, shop online…

Để thu hút người mua, shisha còn được quảng cáo là một thú chơi thời thượng của giới trẻ sành điệu trên toàn thế giới, với những lời lẽ hấp dẫn: "Sử dụng thuốc shisha rất hiệu quả cho việc cai thuốc lá", “shisha được các ông hoàng bà chúa trong các cung điện Ả Rập sử dụng như một thú vui tao nhã...", "mùi thơm của shisha sẽ làm cho bạn được thơm hơn"… Hơn nữa, shisha còn được quảng cáo là không gây bất kỳ một ảnh hưởng bất lợi nào.

Giá thành sử dụng shisha khá cao. Một gói thuốc shisha có giá 130.000 đồng; than để đốt từ 200.000 - 600.000 đồng/hộp; dụng cụ hút như chén, vòi, đĩa, giấy bạc… cũng từ vài trăm đến vài triệu đồng. Bình quân mỗi tháng, một người hút cũng mất vài triệu đồng.

Hút shisha: Sống ảo giác, dễ sinh ung thư - 1

Dụng cụ để hút shisha. Ảnh: T.L

Vào địa chỉ website shisha…vn chuyên cung cấp dụng cụ shisha, có thể thấy rất nhiều loại thuốc shisha được rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Cùng với đó là nhiều loại linh kiện như: Bình lọc, ống hút, than hoạt tính … để phục vụ cho quá trình hút shisha. Khi PV gọi tới số điện thoại bán hàng tại website này, người bán hàng giới thiệu nhiệt tình về những loại thuốc: “Đây là sản phẩm tuyệt đối không độc hại, có lợi cho sức khỏe… Khói shisha nhẹ và không độc như thuốc lá, lại có nhiều hương vị trái cây thơm mát. Mới du nhập vào nước ta nhưng nó đang là trào lưu thời thượng”.

Mặc dù chi phí đắt nhưng shisha hiện đang là “mốt” của giới trẻ vì dễ dùng và có cảm giác lâng lâng. Nhiều người còn cho rằng, shisha có khả năng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe do được bào chế từ những dược liệu có công dụng chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo BS CKII Nguyễn Minh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, điều đó hoàn toàn chỉ là sự quảng cáo. Họ nghĩ rằng, khi dùng shisha sẽ không hại, không bị nghiện, có thể dừng sử dụng lúc nào cũng được. Thực chất, tác hại của nó cũng giống như thuốc lào, thuốc lá nhưng nguy hiểm hơn ở cách sử dụng tập thể. Shisha khi sử dụng trong môi trường hẹp, với lượng khói dày đặc sẽ gây ảnh hưởng tới cả những người hút thụ động. Cũng như thuốc lá, shisha có thể gây nghiện. Tuy nhiên, người sử dụng không nghĩ mình có thể bị nghiện sau một thời gian dùng vì shisha có nhiều hương vị khác nhau. Chính những hương vị này che giấu độc chất bên trong. Nếu hút ít thì dị ứng, đau họng, tê lưỡi… còn lâu dài có thể dẫn tới ngộ độc, tăng nguy cơ bị các bệnh về phổi gấp nhiều lần so với người hút thuốc lá. Nếu hút shisha 2 lần/ngày và mỗi lần hút từ 45-60 phút, người dùng sẽ đưa vào cơ thể một lượng nicotine tương đương một gói thuốc lá 20 điếu.

“Những người thường xuyên hút shisha sau một thời gian sẽ sống trong ảo giác, gây rối loạn hành vi, trầm cảm, sống không thực tế. Họ có thể dễ dàng nảy sinh tiêu cực và khi thất vọng hay chán nản điều gì dễ nghĩ tới việc tự tử. Với phụ nữ hút shisha thì càng nguy hại hơn đến sức khỏe”, BS Tuấn cho hay.

Lượng nicotine vào cơ thể cao hơn thuốc lá 75%

Shisha là một kiểu hút thuốc phổ biến ở các quốc gia Ả Rập mới được du nhập vào nước ta. Thành phần chính của thuốc shisha là thảo mộc có mùi thơm được đốt cách nhiệt bằng than. Khi hút, người sử dụng bỏ thuốc vào chén, trên có phủ một lớp giấy bạc đã đục lỗ rồi cho than hồng lên trên để tạo khói. Khói được truyền xuống ống để đi vào nước trong bình. Người dùng sẽ hút khí vào bằng ống.

Theo DS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dược liệu Việt Nam), thành phần chính của thuốc shisha khi đã thành phẩm bao gồm mật ong và thảo dược nhưng là thảo dược gây nghiện. Khi đưa ra thị trường, thuốc shisha không còn nguyên chất mà được trộn thêm rất nhiều thứ khác để tăng sự hấp dẫn và giảm giá thành. Những hương liệu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc này chứa nhiều nguy cơ gây ngộ độc cấp cho người sử dụng, gây dị ứng và tổn hại đến các tế bào trong cơ thể. Ngoài ra, khi đốt thuốc shisha, thảo dược trong thuốc sẽ cháy sinh khí CO. Hít CO với liều lượng nhiều sẽ gây cảm giác lừ đừ, làm mất sự trao đổi khí ở các phế nang ở phổi dẫn tới suy hô hấp, thậm chí ngất xỉu.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra, hút shisha không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe mà còn có khả năng gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm trong đó có căn bệnh ung thư. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Ung thư Mỹ, trong một lượt hút shisha kéo dài 1 giờ, một người có thể sẽ hít lượng khói vào cơ thể gấp từ 100-200 lần so với hút 1 điếu thuốc lá. Lượng khói này tương đương 0,15-0,5 lít khói. Đặc biệt, lượng nicotine vào trong cơ thể do hút shisha còn cao hơn thuốc lá đến 75%. Ngoài ra, người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và ung thư phổi cao gấp 5 lần người không hút.

Thực tế, để hút khách hàng, một số nơi đã sử dụng “chiêu thức” chế shisha. Họ thường chế thêm vào đó các chất như rượu, ma túy… để tăng thêm độ phê cho người sử dụng.

Theo các chuyên gia, việc lạm dụng các chất kích thích, thậm chí là ma túy trong khi hút shisha rất dễ gây nên những hậu quả nguy hiểm tới tính mạng. Nếu sử dụng chất kích thích như rượu rất dễ khiến người hút bị sốc, dẫn tới bị trụy tim, suy hô hấp... nhất là những người đang có thể trạng ốm yếu. Khi hút shisha mà còn sử dụng cả ma túy thì sẽ dẫn tới việc gây nghiện, từ nghiện nhẹ có thể dẫn tới nghiện nặng, đòi hỏi cơ thể phải sử dụng các loại ma túy tổng hợp gây ảo giác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh, não bộ. Đó là chưa kể shisha kết hợp với chất nhựa trong dụng cụ hút giá rẻ cũng sẽ làm người hút bị ngộ độc nhựa.

Để đảm bảo sức khỏe, BS Tuấn khuyến cáo tuổi vị thành niên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất và họ chưa nhận thức đúng về tác hại của loại thuốc này. Các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con cái. Tốt nhất, các bạn trẻ không nên lạm dụng thú chơi này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My (Gia đình & Xã hội)
Bệnh thần kinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN