Hút mỡ dễ gây tử vong?
“Hút và ghép mỡ từ thân để nâng ngực là phương pháp gây không ít biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng”.
Đó là ý kiến của TS. BS. Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, Nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Vừa qua, thông tin từ vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, chủ cơ sở Thẩm mỹ viện Cát Tường gây tử vong chị L.T.T.H, 39 tuổi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi làm phẫu thuật thẩm mỹ, sau đó vứt xác xuống sông Hồng phi tang gây chấn động dư luận.
TS. BS. Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội lý giải, việc hút và ghép mỡ từ thân để nâng ngực là phương pháp gây không ít biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng.
Khi hút mỡ, que hút đưa vào bụng làm tổn thương nhiều cơ quan nội tạng gây nhiễm trùng phúc mạc, bệnh nhân có thể tử vong. Bên cạnh đó, quá trình hút mỡ làm đứt mạch và tạo cục máu đông gây nhồi máu phổi, nhồi máu cơ tim, dẫn đến tử vong.
Đối tượng Nguyễn Mạnh Tường, nghi can vụ vứt xác phi tang
BS Thọ cho biết, theo như mô tả của cơ quan chức năng, bệnh nhân H. bị tím tái, sùi bọt mép, nhiều khả năng là bị nhồi máu phổi. Đó là một biến chứng đã được cảnh báo trước và rất khó hồi phục. Tuy nhiên, bác sĩ Thọ không bình luận về nguyên nhân cái chết của chị H. bởi “sẽ làm loạn thông tin điều tra”.
Bộ Y tế ban hành quy định về công tác gây mê - hồi sức, cụ thể: Gây mê là phương pháp giúp người bệnh không đau với mức độ thức tỉnh khác nhau nhằm duy trì ổn định các chức năng sống trong khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật. Bác sĩ gây mê - hồi sức là bác sĩ đã được đào tạo về chuyên khoa gây mê - hồi sức từ 18 tháng trở lên và được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. |
Theo vị chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật thẩm mỹ, chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ rất “nóng” nên có rất nhiều bác sĩ tay ngang như ngoại khoa, da liễu, nội khoa cũng tham gia.
“Vụ việc trên dư luận muốn làm rõ là về vấn đề y đức và sẽ là cái tiếng để đời trong ngành y. Mỗi bệnh nhân bị tai biến sẽ là một bài học đau đớn cho các bác sĩ phẫu thuật”, bác sĩ Thọ nói.
Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội cho biết, đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có thống kê những ca tai biến sau phẫu thuật hút mỡ. Một vị giáo sư đầu ngành thống kê tại Đức trong vòng 4 năm (1998-2002) có 66 trường hợp tai biến do hút mỡ trong đó có 1/3 số ca tử vong.
TS. BS. Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội
Nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đưa ra lời khuyên: Phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay rất “hot” nhưng chị em hãy chọn phương án an toàn nhất cho mình.
Cụ thể, người có bệnh lý mãn tính, đái đường, cao huyết áp, giang mai, gan mật, rối loạn đông máu... không nên hút mỡ. Người thầy thuốc và bệnh nhân phải có sự khai báo trung thực về tiền sử bệnh tật.
Theo BS Thọ, hiện nay, tất cả các phòng mạch không được phép làm thủ thuật hút mỡ mà chỉ có bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép mới được làm thủ thuật này.
Như đã đưa tin, PC45 – Công an TP. Hà Nội đang điều tra vụ án “thẩm mỹ viện làm chết khách hàng rồi phi tang”. Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, giám đốc bệnh viện đã bị bắt giữ và khởi tố về tội “giết người”. Nạn nhân là chị L.T.T.H (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người đến trung tâm thẩm mỹ của ông Tường để nâng ngực. Theo kết quả điều tra bước đầu, ngày 19/10, sau khi được bác sỹ Tường cùng một số nhân viên ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường hút 11 ống mỡ ở bụng (loại 50cc), bơm lên ngực, chị H. đã tử vong. Ông Tường cùng một nhân viên bảo vệ mang xác chị H. đưa lên cầu Thanh Trì rồi ném xuống sông Hồng phi tang. Hiện nay, cơ quan điều tra đang cử rất đông lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng cùng người nhà nạn nhân tìm kiếm thi thể chị H. trên sông Hồng. |