Hỏng thận ở tuổi 40 dù trước đó 'khỏe mạnh'
TP HCM - Sau vài ngày chóng mặt, đổ mồ hôi, anh Hòa đi khám, nhận kết quả suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu chạy thận cấp cứu khi vừa 40 tuổi.
Vốn khỏe mạnh từ nhỏ nên anh chưa từng khám sức khỏe định kỳ, cũng không ngờ "phải gắn bó cả đời với bệnh viện khi còn trẻ như vậy". Đang là trụ cột gia đình, người đàn ông phải gác bớt công việc, đến Bệnh viện Thống Nhất lọc máu chạy thận ba ngày mỗi tuần.
"Mỗi lần chạy thận xong tôi mệt đừ, hôm sau mới có thể làm việc", anh nói. Áp lực kinh tế đè nặng khi ba con đều đang đi học, đứa lớn nhất mới lớp 9, viện phí hàng tháng cả chục triệu đồng.
PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất cho biết ngày càng nhiều người trẻ phát hiện suy thận giai đoạn cuối, độ tuổi khoảng 20-40. Trong đó, một số trường hợp lần đầu nhập viện khám bệnh cũng là lúc phải chạy thận cấp cứu bởi bệnh đã ở giai đoạn cuối.
"Nhiều người trẻ rất chủ quan trọng việc ăn uống, sinh hoạt, là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thận", bác sĩ nói. Nhóm này ít chú ý khám sức khỏe định kỳ. Trong khi đó, suy thận thường được phát hiện muộn do những tổn thương tiến triển âm thầm, hầu hết người bệnh không tự phát hiện khi suy thận ở mức độ nhẹ. Khi có triệu chứng lâm sàng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng. Những dấu hiệu này thường không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với biểu hiện của các hệ cơ quan khác.
PGS.TS.BS Nguyễn Bách thăm khám cho một bệnh nhân trẻ tại Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất, ngày 14/3. Ảnh: L.P
Việt Nam ghi nhận hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ mắc bệnh thận mạn mới hằng năm là khoảng 8.000 người, 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu, chiếm 0,1 % dân số. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 5.500 máy chạy thận phục vụ 33.000 bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tại nhiều bệnh viện, số bệnh nhân trẻ bị suy thận có chiều hướng tăng nhanh.
Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 450 bệnh nhân lọc máu chạy thận định kỳ, trong đó có gần 60 bệnh nhân dưới 35 tuổi, chiếm 15%. Điểm chung là những người bệnh này vào đến khoa hầu như đều ở giai đoạn cuối.
Bác sĩ Lê Thị Đan Thùy, Trưởng Khoa Nội thận Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân, cho biết khoảng 1/3 lượng bệnh tại phòng khám nội thận của bệnh viện là người dưới 40 tuổi. Một số nguyên nhân dễ dẫn đến suy thận là bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gout, sử dụng thuốc giảm đau, thuốc đông y, thực phẩm chức năng không hợp lý...
Năm ngoái, cô gái 22 tuổi không thể hồi phục chức năng thận do tổn thương quá nặng sau khi uống thuốc trôi nổi mua trên mạng để giảm cân. Thời gian đầu uống, cô gái đi tiểu nhiều hơn và giảm khoảng 6 kg, sau đó thường xuyên mệt mỏi, không ngủ được, phải nghỉ việc. Dần dần, bệnh nhân bị phù hai mắt, lan ra cả mặt rồi đến tay chân, vào viện bác sĩ chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận.
Hay như người đàn ông ngoài 40 tuổi, suy thận giai đoạn cuối sau sau hơn 3 tháng uống cỏ mực và đậu đen trị bệnh thận. Anh vốn suy thận độ 3, được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc để bảo tồn chức năng thận, ngăn sự tiến triển của bệnh thận mạn, song tự ngưng dùng thuốc khi thấy khỏe, không tái khám theo lịch hẹn. Sau đó, mỗi ngày anh uống khoảng một nắm cỏ mực và 2-3 muỗng đậu đen vì "nghe nói có thể trị bệnh thận".
Có những bệnh nhân trẻ có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng chủ quan bản thân vẫn khỏe, nghĩ không nguy hiểm nên không điều trị nên không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đến lúc phát hiện suy thận, bác sĩ cho rằng nếu kiểm soát bệnh nền đã có thể thoát nguy cơ suy thận, mới bày tỏ hối hận.
Hiện, có ba phương pháp điều trị thay thế thận phổ biến với người suy thận giai đoạn cuối là ghép thận, chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. Tùy tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế, bác sĩ tư vấn phương án phù hợp để người bệnh lựa chọn. Trong đó, ghép thận là lựa chọn điều trị tốt nhất, tăng cơ hội sống lâu và khỏe mạnh hơn, song người bệnh cần uống thuốc chống thải ghép suốt đời, có nguy cơ thải ghép, chi phí phẫu thuật cao, nguồn tạng hiến khan hiếm.
Các bác sĩ cho rằng vấn đề quan trọng là người trẻ cần nâng cao ý thức phòng bệnh. Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, không để diễn tiến thành suy thận giai đoạn cuối. Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh thận là phù, thường xuyên mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, da thay đổi màu sắc như nhợt nhạt, sạm, tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít hơn bình thường, giấc ngủ không sâu, huyết áp tăng cao...
Theo bác sĩ Bách, mỗi người nên khởi đầu ngày làm việc bằng 300 ml nước. Quan sát nước tiểu nếu không trong mà có màu vàng nghĩa là uống chưa đủ nước, nếu có màu đỏ hoặc nổi bọt bất thường phải khám ngay. Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, cân đối giữa đạm thực vật và đạm động vật trong chế độ ăn, không tiêu thụ nhiều muối, hạn chế ăn thức ăn đóng gói sẵn.
Phòng ngừa bệnh lý đái tháo đường và tăng huyết áp, nếu có bệnh phải kiểm soát tốt. Không tự ý sử dụng thuốc bừa bãi, thực phẩm, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, không có chỉ định của bác sĩ. Đối với gia đình có người bị suy thận, bệnh viêm cầu thận IgA, các thành viên cùng huyết thống nên tầm soát chức năng thận, xét nghiệm đạm niệu, đạm máu để đánh giá và nhận biết sớm các vấn đề bệnh lý.
"Gánh nặng bệnh thận ở người trẻ hiện nay quá lớn, chúng tôi rất trăn trở làm sao đẩy mạnh được chuyển tầm soát phát hiện bệnh càng sớm càng tốt", bác sĩ Bách nói. Bệnh viện Thống Nhất dự kiến tầm soát miễn phí bệnh thận cho người trẻ ở các khu dân cư và công nhân các khu công nghiệp với quy mô khoảng 10.000 người một năm.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Nguồn: [Link nguồn]
Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng quá rõ ràng gì cho tới khi đã tiến triển đến giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh cũng có một vài dấu hiệu cảnh báo thận có vấn đề cần đi kiểm tra ngay.