Hôm nay Hà Nội tiêm lại vắc xin Quinvaxem

Từ sáng nay (5/11), trên địa bàn Hà Nội tiêm trở lại vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem cho trẻ.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, thời gian tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem sẽ kéo dài từ 5 - 7 ngày địa bàn và Hà Nội.

Ông Cảm cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng đã kiểm tra công tác tiêm chủng trên địa bàn huyện Từ Liêm từ chiều hôm qua (4/11). Kết quả cho thấy, các trạm y tế đã bố trí đầy đủ nhân lực và đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị y tế phục vụ tiêm chủng và tiêm trở lại vắc xin.

Ông Cảm khẳng định, hôm nay các xã, phường sẽ đồng loạt tiêm chủng loại vắc xin này. Thời gian tiêm sẽ kéo dài khoảng 5 ngày tùy từng địa phương, trên cơ sở số trẻ đến tiêm tại mỗi khu vực. Các bệnh viện của Hà Nội cũng sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng được chuyển đến.

Hôm nay Hà Nội tiêm lại vắc xin Quinvaxem - 1

Bác sĩ khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vắc xin 5 trong 1

Trước đó, để chuẩn bị cho việc tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem, Hà Nội đã kiểm tra 100% các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố và các điểm tiêm chủng đều đạt yêu cầu.

"Tôi xin khẳng định, Hà Nội đã thực hiện đầy đủ tất cả các quy định của Bộ Y tế và sẽ nỗ lực hơn để công tác tiêm chủng đạt kết quả tốt", ông Cảm nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng nay trên địa bàn Hà Nội các điểm tiêm chủng vẫn chưa đồng loạt tiêm loại vắc xin này. Chẳng hạn: Trạm y tế phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), trạm y tế phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, trong số 3.800 trẻ tiêm Quinvaxem có 3 trẻ có phản ứng sốt nhẹ nhưng đến hôm nay cả 3 trẻ đều bình thường. Đợt tiêm chủng này, TP Hà Nội có hơn 65.000 trẻ tiêm vắc-xin Quinvaxem, trong đó khoảng 15.000 trẻ tiêm mũi đầu.

Ngoài ra, còn có một số Trạm y tế tuy đã chuẩn bị đầy đủ  trang thiết bị để tiêm lại vắc xin 5 trong 1 nhưng có rất ít trẻ đến tiêm.

Theo Bác sĩ Lưu Bích Lan, Trạm Trưởng trạm y tế  phường Trung Hòa (Đống Đa, Hà Nội),  tuy công tác tập huấn xử lý tình huống tiêm vắc xin 5 trong 1 đã được thực hiện chu đáo nhưng vẫn rất ít trẻ đến tiêm.

Bác sĩ Lan cho biết, các bác sĩ và người nhà của trẻ vẫn lo lắng tai biến xảy ra. Nếu trường hợp xảy sốc phản vệ, trạm y tế có thể xử lý được. Trạm y tế phường cũng đã thành lập một đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng xử lý nhanh khi trẻ bị phản ứng sau tiêm hoặc sốc phản vệ.

Hôm nay Hà Nội tiêm lại vắc xin Quinvaxem - 2

Các bà mẹ ngồi đợi tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ

BS Đào Thị Việt Triều, Trạm Trưởng trạm y tế phường Định Công cho biết, đến 9h sáng nay, trên địa bàn phường đã có 23 bé dưới 1 tuổi tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Tuy nhiên, bản thân bác sĩ Triều vẫn thấy áp lực khi tiêm loại vắc xin này.

Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh việc tăng cường giám sát an toàn tiêm chủng, chúng tôi cũng kêu gọi người dân hợp tác tốt khi cho con đi tiêm chủng bằng cách thông báo cụ thể với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử dị dứng (nếu có). Các bà mẹ nên theo dõi chặt trẻ sau tiêm để kịp thời phát hiện những phản ứng bất thường (sốt cao, co giật, tím tái… và đưa ngay đến cơ sở y tế nếu có những phản ứng bất thường.

Được biết, vắc xin Quinvaxem được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ, dùng để phòng các bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Loại vắc-xin này được sử dụng ở 34 quốc gia trên thế giới, tiêm cho trẻ lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Cùng ngày, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, đã có 13 địa phương tiêm lại vắc-xin Quinvaxem. Hiện chưa thống kê được số trẻ đã tiêm song số ca tai biến ghi nhận là 81 trường hợp, trong đó 60 trường hợp được theo dõi tại cơ sở y tế, số còn lại có phản ứng nặng hơn (tím tái, sốt cao, khó thở).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN