Hối hận vì vội tin kết quả siêu âm thai

Câu chuyện thương tâm về cháu bé 7 tháng tuổi ở Gia Lai “chết oan” vì gia đình bỏ thai sau khi có kết quả siêu âm của bác sĩ đã khiến nhiều phụ nữ có thai thêm lo lắng, hoang mang.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp khi siêu âm bác sỹ đưa ra chẩn đoán thai bình thường nhưng khi sinh ra con lại dị tật, hoặc có trường hợp ngược lại.

Đã có không ít người nghe theo chỉ định của bác sỹ là “bỏ thai” để rồi sau đó phải hối hận vì đã vội vã.

Song cũng có những người phụ nữ “liều” giữ lại con. Trong số họ có những người may mắn vì con vẫn khỏe mạnh, bình thường, nhưng cũng có những người khóc thầm vì phải trả giá cho sự liều lĩnh ấy …

Nước mắt người mẹ …

Chị H.N.H., 29 tuổi, hiện đang mang thai lần thứ 2 sau khi bỏ thai lần 1 vì kết quả siêu âm cho thấy con chị bị có thể bị dị tật về trí tuệ do nghi bị down.

Đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị H. cho biết thời điểm biết tin này cách đây đã 3 năm, cả gia đình sốc, cuộc sống đảo lộn. Sau khi nghe tư vấn của bác sỹ, cả nhà đành ngậm ngùi đồng ý đình chỉ thai kỳ vì sợ sinh ra con bị down sẽ khiến cả con cùng gia đình đều khổ …

Đến lần mang thai này, chị H. sợ lại như lần trước nên đã vào Bệnh viện Phụ sản TW khám ngay từ đầu để nếu có dị tật sẽ phát hiện sớm hơn. Nghe ngóng nhiều nơi, tìm hiểu nhiều thông tin, được tư vấn đầy đủ của bác sỹ, chị dần dần nghĩ đến khả năng mình đã quá vội vàng đối với đứa con đầu tiên.

Hối hận vì vội tin kết quả siêu âm thai - 1

Các sản phụ cần hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định đình chỉ thai kỳ bởi chỉ một kết quả siêu âm thôi thì không đủ sức thể hiện hết tình trạng sức khỏe của thai nhi (Ảnh minh họa: N.A)

“Ngày đó tôi chỉ siêu âm rồi phá thai, không tìm hiểu kỹ, không biết là cần phải làm những gì. Vị bác sỹ (ở bệnh viện tỉnh) lại là bác sỹ có tiếng nên tôi không nghi ngờ gì. Đến giờ tôi mới hiểu là có khi tôi đã quá vội vàng …”, chị H. tâm sự.

Sự lo lắng, tiếc nuối của chị H. là cơ sở bởi theo Tiến sĩ Lê Hoàng, trung tâm chẩn đoán trước sinh (BV Phụ sản Trung ương) thì một khi có nghi ngờ dị tật thai nhi, Bệnh viện Phụ sản TW sẽ tiến hành một loạt xét nghiệm khác rồi hội chẩn liên khoa, liên chuyên khoa để đưa ra quyết định có bỏ thai hay không.

“Không bao giờ chúng tôi chỉ dựa vào kết quả siêu âm thai để đưa ra quyết định. Siêu âm cũng chỉ là một xét nghiệm như bao xét nghiệm khác mà thôi”, Tiến sĩ Hoàng cho hay.

Sự hối hận của chị H. có lẽ không phải hiếm hoi, nhất là đối với những trường hợp không có đủ điều kiện tìm hiểu hoặc tiếp cận thông tin chính xác, không được thăm khám đầy đủ, tư vấn kịp thời …

“Không nên mạo hiểm”

Tuy nhiên, lại có những người mẹ “mạo hiểm” giữ lại con ngay cả khi bác sỹ khám thai đưa ra chỉ định phải đình chỉ thai kỳ vì trẻ có dị tật.

Có nhiều người đã may mắn có được đứa con khỏe mạnh và cho rằng ý kiến bác sỹ chỉ là một kênh tham khảo, cần phải lắng nghe cả trái tim mình; nhưng cũng có những người phải “trả giá” vì sinh ra đứa con không toàn vẹn …

Đánh giá về sự “mạo hiểm” này, Tiến sĩ Lê Hoàng cho rằng rất khó để khẳng định người mẹ đó “mạo hiểm” đúng hay sai, vì có thể nếu bác sỹ siêu âm không chính xác, không có kinh nghiệm thì tư vấn bỏ thai chưa chắc đã đúng.

Trong trường hợp này, người mẹ “mạo hiểm” có thể sẽ mang lại may mắn. Và ngược lại, nếu bác sỹ có trình độ, có kinh nghiệm nhưng người mẹ không tin, vẫn cố giữ thì có thể sẽ có hậu quả.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của mình, Tiến sĩ Lê Hoàng cho rằng một khi trường hợp thai nhi nghi dị tật đã được khám, xét nghiệm ở cơ sở y tế lớn, có uy tín về chuyên môn, được hội đồng liên khoa, liên chuyên khoa thẩm định kỹ càng thì người mẹ và gia đình nên nghe theo tư vấn mà đơn vị đó đưa ra.

Những câu chuyện không bao giờ cũ …

Chị Hoa, một bà bầu từng khóc lên khóc xuống khi nhận được thông tin từ bác sỹ khám thai: Phải đình chỉ thai kỳ ở tuần thứ 26 vì bé bị chuẩn đoán giãn não thất, có thể tiến triển lên nguy hiểm.

Sau khi nhận kết quả này từ phòng khám riêng của một bác sỹ có tiếng đang làm việc tại BV Phụ sản TW, chị Hoa và gia đình nháo nhác vào thẳng bệnh viện để làm các chẩn đoán trước sinh nhằm xác định xem cháu bé có đúng là bị dị tật như vậy hay không.

“Các kết quả cho thấy cháu vẫn bình thường vì mọi chỉ số đều trong giới hạn cho phép. Tôi và gia đình nín thở chờ đợi. Đến tuần 28, chính vị bác sỹ đã siêu âm ở phòng khám tư cũng ngạc nhiên vì não thất bé đã ngừng lại, không tiến triển phần giãn nữa. Cả gia đình nửa mừng vui nửa nghi ngờ, nhưng dù sao cũng đã thoát được khỏi một áp lực lớn”, chị Hoa thuật lại.

Câu chuyện kiện cáo vì không phát hiện được dị tật hoặc “trở về từ cõi chết” của các thai nhi có lẽ sẽ vẫn là đề tài “nóng” của nhiều người bởi hiện nay, y học dù phát triển đến đâu cũng vẫn còn chịu chi phối của nhiều yếu tố như trình độ, kinh nghiệm của bác sỹ, nhận thức và hiểu biết của người bệnh, vv…

Hối hận vì vội tin kết quả siêu âm thai - 2

Sản phụ đang nằm tại BV phụ sản. (Ảnh minh họa)

Cách đây không lâu (vào khoảng giữa tháng 2/2012), gia đình sản phụ Nguyễn Thị Thúy (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã cho rằng các bác sĩ siêu âm (đang làm việc tại bệnh viện địa phương) phải chịu một phần trách nhiệm khi không chẩn đoán được dị tật tim nghiêm trọng của con trai chị từ lúc cháu còn nằm trong bụng mẹ.

Sản phụ này cho biết các kết quả thăm khám thai nhi hoàn toàn bình thường, cháu bé khi sinh ra cũng khỏe mạnh nhưng bắt đầu trở bệnh từ tháng thứ 2. Bệnh viện Nhi TW đã khám và đưa ra kết luận: Con trai chị có tim nằm bên phải, thông sàn nhĩ thất toàn bộ, động mạch phổi và động mạch chủ chung nhau thân.

Hối hận vì vội tin kết quả siêu âm thai - 3

BS siêu âm cho sản phụ (Ảnh minh họa: N.A)

Vào tháng 12/2011, sản phụ Nguyễn Thị Mộng Tuyền, sinh năm 1984, nhà ở Bù Đăng, Bình Phước đã làm đơn khiếu nại đòi bác sỹ khám thai phải bồi thường vì cho rằng bác sỹ này yếu kém về chuyên môn nên đã không chẩn đoán ra con chị bị down từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ.

Theo đánh giá của TS Lê Hoàng, những câu chuyện kiện cáo vì không phát hiện được dị tật hoặc “trở về từ cõi chết” của các thai nhi có lẽ sẽ vẫn là đề tài “nóng” của nhiều người bởi hiện nay, y học dù phát triển đến đâu cũng vẫn còn chịu chi phối của nhiều yếu tố như trình độ, kinh nghiệm của bác sỹ; nhận thức và hiểu biết của người bệnh, vv…

Bên cạnh đó, ông Hoàng tái khẳng định: "Siêu âm có sai số nhất định và không thể phát hiện hết các dị tật. Gia đình không nên vội vàng đưa ra quyết định nếu chưa có các xét nghiệm tổng thể và có sự hội chẩn của các khoa liên quan".

Để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra, ông Hoàng cho rằng người bệnh cần tìm hiểu kỹ thông tin, quản lý thai ở những cơ sở có uy tín về chuyên môn, tránh trường hợp mất con không đáng có hoặc phải nuôi con bị dị tật một cách bị động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN