Hội chứng mệt mỏi ở tuổi trung niên

Sự kiện: Bệnh stress

Hội chứng mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân còn gọi mệt mỏi kinh niên đã xuất hiện từ lâu, nhưng ngày nay trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực.

Do phải đối mặt với nhiều vấn đề trong xã hội và cả những áp lực về sự hoàn thiện cho cuộc sống của bản thân và gia đình... khiến cho không ít người rơi vào tình trạng mệt mỏi kinh niên, dù nghỉ ngơi cũng không hết mệt.

Thực ra, nam hay nữ, lứa tuổi nào cũng có thể bị mệt mỏi kéo dài, nhưng hay gặp hơn ở phụ nữ. Điều này có thể hiểu được, bởi sức đề kháng của phụ nữ thường yếu hơn nam giới, sức chống đỡ với những áp lực trong cuộc sống cũng kém hơn. Mặt khác, sự mệt mỏi còn bị ảnh hưởng của các tuyến nội tiết, phụ nữ thường bị mệt mỏi khi sắp có kinh nguyệt, thai nghén, mãn kinh.

Đặc biệt, khi bước vào tuổi trung niên cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, họ thường cảm thấy chân tay rã rời, mệt mỏi, tinh thần bải hoải... nghỉ ngơi cũng không hết mệt. Ở tuổi này, với những đổi thay về sinh lý, dẫn đến đổi thay về tâm lý khiến nhiều chị em gặp khó khăn trong giao tiếp, khó giữ cân bằng trong tình cảm, dẫn đến gặp khó khăn trong công việc.

Hội chứng mệt mỏi ở tuổi trung niên - 1

Người phụ nữ bước vào tuổi trung niên thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau đầu

Đặc biệt, hội chứng mệt mỏi kéo dài thường phổ biến ở các quốc gia kỹ nghệ cao, nhất là tại các đô thị lớn tập trung đông đúc dân cư, với nhịp sống hối hả, bận rộn... Khi đã mắc hội chứng mệt mỏi kéo dài, dù không phải làm gì cũng vẫn thấy mệt, thậm chí dù có nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cũng không hết mệt.

Có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho hội chứng mệt mỏi kéo dài. Tựu trung, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, đây là sự tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau, có sự thay đổi trong hệ thần kinh trung ương hay hệ thống miễn nhiễm bị suy yếu hoặc cũng có khi do sử dụng một số thuốc chữa bệnh...

Việc chữa trị hội chứng mệt mỏi kéo dài là khó khăn, cho đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào mang lại hiệu quả cao chữa dứt điểm trong một thời gian ngắn. Với những người mắc hội chứng này, cách tốt nhất và có hiệu quả là nên thay đổi cuộc sống hàng ngày cho hợp lý, đồng thời tạo ra thói quen ăn ngủ điều độ và thường xuyên tập thể dục.

Về dinh dưỡng, cần ăn uống đủ chất. Đặc biệt cần tăng cường các thực phẩm có hàm lượng vitamin và chất khoáng cao. Ăn những thực phẩm giàu vitamine C,E và các vitamine nhóm B. Nếu thiếu vitamine B1 cơ thể dễ bị mệt mỏi, mất tự chủ, rơi vào trạng thái vui buồn bất thường. Không để cơ thể thiếu chất sắt (sắt có nhiều trong gan động vật và trứng gia cầm...), vì thiếu sắt cũng khiến cho chị em lứa tuổi này tinh thần ủ rũ, mất tập trung, giảm trí nhớ và dễ cáu giận. Cũng nên bổ sung kẽm (có nhiều trong cá biển, gan, lòng đỏ trứng, thịt gà...) để hạn chế tình trạng u uất, tình cảm không ổn định và những trục trặc trong đời sống tình dục vợ chồng.

Về giấc ngủ, cần ngủ đủ 7 tiếng/ngày, tốt nhất là có được giấc ngủ sâu. Muốn vậy cần đi ngủ đúng giờ theo nhịp sinh học của giấc ngủ, tập thói quen ngủ vào một giờ cố định để tạo phản xạ có điều kiện buồn ngủ khi đến giờ.

Về công việc, cần sắp xếp sao cho khoa học, hợp lý để tránh stress. Cố gắng tránh các tình huống xung đột và không tham gia vào các cuộc tranh cãi. Đừng quá để ý đến những điều khó chịu thường gặp trong cuộc sống, nên lạc quan vui sống.

Cần tập thể dục đều đặn, tốt nhất là bạn tham gia một môn thể thao ưa thích, phù hợp với thể trạng cơ thể, cũng có thể thư giãn bằng cách thường xuyên đi bách bộ nhàn tản kết hợp với thở sâu. Cuối tuần nên dành ra một buổi đi chơi với gia đình và người thân hoặc giải trí bằng việc đi xem phim, mua sắm, đọc sách... nhằm giảm bớt áp lực và mệt mỏi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Chi (Dân Việt)
Bệnh stress Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN