Hóc răng giả, hóc thịt: Nỗi ám ảnh của bác sĩ nội soi
Tại khoa Nội soi Bệnh viện Việt Đức còn có nhiều bệnh án lưu lại về những bệnh nhân là người già hóc răng giả, hóc thịt vừa bi, vừa hài.
Nói đến hóc răng giả, Thạc sĩ Chu Nhật Minh - Phó trưởng Khoa Nội soi, Bệnh viện Việt Đức cho biết, ở người già có nhiều kiểu hóc dị vật khác nhau, trong đó nguy hiểm nhất là hóc răng giả và hóc thịt nguyên miếng. Do đặc điểm của người già nên những dị vật họ hóc khiến nhiều bác sĩ dở khóc, dở cười.
Trường hợp của ông Vũ Văn H. trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội bị hóc răng giả. Cả cụm răng giả 3 chiếc cùng với 4 cái móc sắt chui vào hạ họng của ông H. Gia đình đưa ông vào bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, rồi lại chuyển đến bệnh viên Việt Đức.
Bác sĩ Minh nhớ lại: "Chiếc răng giả kèm theo cả 4 móc sắt ngoắc chặt vào họng của người bệnh khiến cụ ông đau và khó thở. Bệnh viện Tai Mũi Họng đã dùng chiếc kìm cắt dị vật đắt tiền để cắt chiếc răng giả thành nhiều mảnh nhưng không được.
Một chiếc răng giả được gắp ra bằng dụng cụ nội soi được lưu lại tại khoa Nội soi, BV Việt Đức Cụ ông hóc cả 3 răng giả.
Thủ thuật nội soi được thực hiện để đánh giá tổn thương, bác sỹ nhận thấy khó có thể gắp dị vật bằng phương pháp nội soi thông thường hay dùng pince gắp ra vì trong hình ảnh 4 chiếc móc sắt của răng giả đang móc vào nhiều bộ phận của thực quản theo các chiều khác nhau.
Nếu bác sĩ cố lấy chiếc răng giả qua nội soi ra thì bệnh nhân sẽ bị tổn thương trầm trọng hơn các cơ quan lân cận như các cơ nền cổ, khí quản, sụn phễu….
Sau khi hội chẩn, bác sĩ nội soi quyết định mời các bác sĩ ngoại khoa phẫu thuật. Các phẫu thuật viên lách từng bộ phận ở cổ của bệnh nhân mổ lấy được ba chiếc răng giả ra ngoài.
Còn trường hợp ông Nguyễn Quyết Th. trú tại Gia Lâm, Hà Nội cũng bị chiếc răng giả trôi tuột vào họng và móc lơ lửng ở thành thực quản. Tuy nhiên trường hợp này các bác sĩ đã lấy được dị vật này qua nội soi tiêu hóa.
Chỉ vào chiếc răng giả, bác sĩ Minh lo lắng nhất là những chiếc móc sắt của răng.
Bác sĩ Minh khuyến cáo nhiều người già sử dụng răng giả vì khi nuốt phải răng họ thường bị những chiếc móc sắt của chiếc răng móc vào thành thực quản nên việc gắp dị vật rất khó khăn. Khi người sử dụng răng giả cần chú ý tránh rơi vào tình cảnh hóc răng.
Hóc thịt - nỗi ám ảnh của bác sĩ
Ngoài ra, bác sĩ Minh cho biết trong các loại dị vật hóc ở người già nguy hiểm nhất là hóc thịt. Nhiều người cho rằng hóc thịt không đáng ngại nhưng với bác sĩ hóc thịt là nỗi ám ảnh.
Bà Nguyễn Thị M. 84 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội được đưa vào bệnh viện Việt Đức khi bị hóc miếng thịt Con cháu của bà cho biết nhà có giỗ. Mọi người thường hay để cho cụ những miếng thịt nạc ngon. Do không còn răng, cụ M. cứ móm mém nhai mà thịt không nhừ được.
Do vô tình, bà cụ nuốt luôn cả miếng thịt. Miếng thịt dắt lại ở thực quản khiến bà M. nghẹn không thở được. Con cháu sử dụng mọi biện pháp truyền thống đi mua lá chữa hóc nhưng không ăn thua. Khi đưa bà cụ vào bệnh viện, bác sĩ chụp X- quang xác định được vị trí của miếng thịt giắt lại dưới thực quản. Bác sĩ đã sử dụng các dụng cụ nội soi để gắp miếng thịt.
Bác sĩ Minh cho biết "gắp xương còn dễ chứ gắp thịt thì đúng là không có gì “chán” bằng. Miếng xương chỉ cần móc vào được một đầu là lôi ra được chứ thịt thì gắp nó cứ mủn ra từng tý. Bác sĩ dùng pince gắp vào miếng thịt chỉ lôi ra được vài sớ thịt. Khi ở trong thực quản, thịt bị phân hủy cùng với tổ chức thành thực quản bị hoại tử nên có mùi rất thối. Bác sĩ đã không dễ chịu gì khi gắp những dị vật như thế".
Có những người già hóc cả miếng măng to. Các cụ nhai măng nhưng không có răng nên nuốt chửng. Khi măng dắt lại thực quản bác sĩ gắp nó ra gây mùi rất sợ.
Các bác sĩ ở khoa nội soi Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo đối với người già khi ăn nên sử dụng các thức ăn xay nhỏ, mịn vì các cụ không còn răng, tránh nguy cơ thức ăn hóc trôi xuống thực quản.