Hoang mang nghi vấn hóa chất diệt muỗi gây... teo não

Đại diện Bộ Y tế cho hay, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về nghi vấn hóa chất diệt muỗi truyền virus Zika gây hội chứng teo não ở trẻ nhỏ.

Nghi vấn xung quanh virus Zika và hóa chất Pyriproxyfen

Thông tin nghi vấn virus gây teo não ở trẻ nhỏ không phải do virus Zika mà là do hóa chất Pyriproxyfen dùng để diệt muỗi trị sốt rét, sốt xuất huyết được sử dụng ở Brasil hiện đang gây hoang mang cho người dân. Điều đáng lưu ý là loại hóa chất này được sử dụng tại Việt Nam trong chương trình phòng chống sốt xuất huyết.

Hoang mang nghi vấn hóa chất diệt muỗi gây... teo não - 1

Lãnh đạo Bộ Y tế trả lời tại cuộc họp sáng 16/2

Tuy nhiên, trong cuộc họp về dịch bệnh Zika sáng 16/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức xác nhận mối liên quan giữa hóa chất trên với hội chứng teo não ở trẻ nhỏ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hóa chất này an toàn và được sử dụng trong nước sinh hoạt. Đồng thời, WHO cũng chưa đưa ra khuyến cáo nào về hóa chất sử dụng diệt muỗi gây nên hội chứng teo não ở trẻ nhỏ.

“Bộ cũng đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, giám sát việc sử dụng đúng mục đích đối với loại hóa chất này. Tuy nhiên, trong trường hợp có xác minh rõ ràng về ảnh hưởng, mối liên hệ của hóa chất với căn bệnh teo não ở trẻ em, bộ sẽ ngay lập tức yêu cầu dừng lưu thông loại hóa chất này”, ông Long cho biết.

Cũng tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Việt Nam đã sử dụng hóa chất Pyriproxyfen và loại hóa chất này được cấp phép năm 2010, chính thức nhập khẩu năm 2013, tổng số lượng nhập khẩu đến nay là 9.500kg, hiện bán ra thị trường khoảng 2.500 kg. Tuy nhiên, theo ông Phu, Việt Nam chỉ sử dụng loại hóa chất này ở khu vực nước thải, nước đọng trong các công trình xây dựng với mục đích tiêu diệt ấu trùng muỗi, hoàn toàn không sử dụng trong nước ăn uống, sinh hoạt. Còn tại Brasil, Pyriproxyfen lại sử dụng hóa chất này trong nước sinh hoạt.

Mở rộng đối tượng giám sát dịch

Đến thời điểm này, virus Zika đã được ghi nhận ở 44 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó có cả các nước ở châu Á như: Trung Quốc, Thái Lan. Theo WHO, virus Zika lan tràn nhanh trên diện rộng và xuất hiện hội chứng đầu nhỏ, viêm đa rễ thần kinh. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bệnh dịch do virus Zika sẽ diễn biến phức tạp và khả năng lan vào Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra. Để phòng chống giám sát bệnh tốt nhất, ông Long cho biết, sẽ mở rộng đối tượng giám sát phòng chống dịch. Tất cả bệnh nhân có nghi ngờ biểu hiện bệnh đều có thể đến lấy mẫu xét nghiệm miễn phí tại 4 bệnh viện được Bộ Y tế quy định.

Được biết, ngày 15/2, Viện Pasteur TP HCM đã lấy mẫu ở 8 điểm để giám sát cộng đồng về virus Zika. Công tác giám sát tại cộng đồng sẽ tiếp tục được mở rộng tại hai miền Bắc và Trung trong thời gian sớm nhất có thể.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo công dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trong độ tuổi sinh đẻ không có việc cần kíp không đi đến các vùng lưu hành dịch. Nếu buộc phải đi cần đến cơ quan y tế để được tư vấn, hướng dẫn. Tất cả các đối tượng đi về từ vùng dịch, dù có hay không có dấu hiệu, cần đến cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Hiện ở Việt Nam đã có hai đơn vị có khả năng xét nghiệm phát hiện virus Zika đó là Viện Pasteur TP HCM và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và sắp tới bổ sung thêm 2 bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư ở Hà Nội  và TP HCM.Cảnh báo về nguy cơ lây truyền virus Zika, đặc biệt liên quan đến bệnh lý teo não ở trẻ sơ sinh, ông Long cho biết, đã yêu cầu các khoa sản, nhi đẩy mạnh chẩn đoán trước sinh đối với phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm dị tật teo não ở thai nhi để có phương án xử lý.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em cho biết, trong thời gian sớm nhất sẽ tập huấn cho các đơn vị trung tâm sàng lọc trước sinh trong chẩn đoán trước sinh. Việc siêu âm phát hiện não nhỏ chỉ thực hiện được 3 tháng cuối thai kỳ, do vậy nếu phát hiện có dị tật đầu nhỏ sẽ tư vấn cho người nhà và sản phụ để họ quyết định. “Cũng cần phải hiểu teo não còn là dị tật do bệnh rubella thai kỳ. Do vậy, khi gặp trường hợp như vậy, các cơ sở y tế sẽ liên hệ với bốn cơ sở xét nghiệm virus Zika để có kết luận chính xác nhất”, ông Vinh cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Anh (Giao thông vận tải)
Virus zika ở Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN