Hoang đường que thử ung thư!

Dụng cụ thử nhanh ung thư với giá siêu rẻ 12.000 đồng được rao bán tràn lan cùng lời quảng cáo phát hiện bệnh trong 5-10 phút, chính xác 99%. Các chuyên gia y tế khẳng định không thể có phương pháp thử ung thư nhanh như vậy

Thời gian qua, các que thử ung thư được chào bán trên nhiều diễn đàn mạng với giá rất rẻ, từ 10.000-20.000 đồng/que. Theo lời quảng cáo, chỉ cần lấy chút máu và nước tiểu để thử, đợi trong 5 phút là có thể biết mình bị ung thư gan, đại tràng, tuyến tiền liệt… hay không; độ chính xác lên đến 99%!

Vừa mừng vừa lo

Mỗi loại ung thư, cũng theo lời quảng cáo, đều có que thử riêng. Que thử ung thư xuất xứ từ nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... và giá chênh lệch nhau khá nhiều. Đơn cử, que thử “Sero-check” có nơi rao bán giá 250.000 đồng nhưng có chỗ chỉ giá 10.000 đồng. “Thay vì phải đi bệnh viện tốn nhiều tiền để làm xét nghiệm, chỉ cần mua sản phẩm này về tự thực hiện ở nhà là có thể phát hiện bệnh ngay” - một nhân viên bán hàng tư vấn.

Thông tin về việc thị trường xuất hiện loại que thử chỉ trong vài phút là biết bị ung thư hay không khiến nhiều người vừa mừng vừa lo. Bà Trần Thị Vân (quê Nam Định), có chồng đang điều trị ung thư tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Ktrung ương, cho biết để xác định bệnh ung thư, chồng bà phải xét nghiệm máu, nước tiểu, chiếu chụp, tốn gần 10 triệu đồng.

Hoang đường que thử ung thư! - 1

Que thử ung thư được rao bán trên Facebook với lời quảng cáo sẽ cho kết quả sau 5 phút thử

“Giờ có que thử ung thư chính xác, lại rẻ như vậy nên tôi cũng muốn mua một mớ để cả nhà cùng thử. Nhưng nếu kết quả mà không chính xác thì lại gây hoang mang, lo sợ, rồi chạy chữa tốn kém. Nhỡ có bệnh lại đoán không thì trì hoãn chữa trị, càng nguy hiểm hơn” - bà Vân lo ngại.

Sau khi có thông tin trên, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế đã phối hợp với thanh tra bộ lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xem xét xử lý. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, cho biết đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sử dụng, quảng cáo các sản phẩm que thử ung thư. Hiện nay, Bộ Y tế chỉ mới cấp phép cho 2 sản phẩm thanh thử để phát hiện định tính các chất chỉ điểm đối với một số loại ung thư, chứ không có tác dụng phát hiện ung thư.

Thất thiệt, gây hoang mang

Trước những thông tin về que thử ung thư, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này cho rằng đây chỉ là chuyện hoang đường.

PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương, khẳng định: “Không ở đâu trên thế giới có loại que thử phát hiện ung thư chính xác tới gần 100% như vậy. Những thông tin như thế là hoang đường. Tôi từng đến những cơ sở y tế hàng đầu trên thế giới nhưng chưa hề nghe về loại que thử nào có thể phát hiện ung thư. Theo tôi biết, Bệnh viện K trung ương và các cơ sở khám, điều trị ung bướu cũng không sử dụng bất cứ loại que thử nào để phát hiện ung thư”.

Ông Thuấn bày tỏ lo ngại vì mỗi năm, Việt Nam có từ 150.000 đến 200.000 người mắc các bệnh ung thư. Vì thế, không loại trừ một số kẻ trục lợi, đánh vào tâm lý của người dân để phao tin, bán sản phẩm gây hại cho người bệnh. Điều này từng xảy ra với một số loại “thần dược” được cho là chữa được bệnh ung thư.

GS-TS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương - cũng cho rằng que thử ung thư là thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng tiến trình điều trị của người mắc bệnh. Không loại trừ việc quá tin tưởng vào que thử ung thư khiến người bệnh trì hoãn quá trình điều trị do xét nghiệm nhanh không ra bệnh.

“Chúng tôi, những người chữa bệnh ung thư, chưa bao giờ sử dụng loại que thử nào như thế. Hơn nữa, đến nay chưa có tài liệu nào công bố về độ chính xác của que thử ung thư, chưa cơ quan chức năng nào khẳng định về chất lượng que thử. Người dân không nên tin vào các công cụ này để tránh việc tiền mất tật mang” - GS Đức khuyến cáo.

Theo GS Đức, để biết chính xác một người có mắc ung thư hay không thì cần đến bệnh viện kiểm tra theo phác đồ. Với phương tiện kỹ thuật hiện đại, việc chẩn đoán ung thư ngày càng nhanh và chính xác hơn. Ngoài khám lâm sàng còn cần những xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học... mới có thể đánh giá chính xác tình trạng và giai đoạn của bệnh ung thư.

Tầm soát ung thư 6 tháng/lần

PGS-TS Trần Văn Thuấn lưu ý hiện nay, rất nhiều kỹ thuật mới đã thành công trong việc phát hiện sớm ung thư nên việc điều trị cũng khả quan hơn.

Theo ông Thuấn, hơn 80% các bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Vì vậy, cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát ung thư tốt hơn. Khi nghi ngờ mắc bệnh, người dân nên tới bệnh viện chuyên khoa để làm các xét nghiệm chẩn đoán, không để lỡ mất “thời gian vàng” điều trị bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh An (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN