Hoại tử ngón chân vì "nail dạo"

"Nail dạo" là kiểu dịch vụ cắt tỉa, vẽ, đính đá lên móng tay, móng chân cho khách hàng dưới hình thức di động.

Chỉ cần khách gọi điện thoại, thông báo địa điểm là thợ nail sẽ đến tận nơi sơn sửa móng. Tiện lợi là thế nhưng hậu quả cũng khôn lường.

Tiện, rẻ, đẹp chỉ có ở... "nail dạo"

Đi kèm với dịch vụ gội đầu, uốn nhuộm tạo kiểu tóc, nhiều cửa hàng làm đẹp kiêm thêm dịch vụ sơn sửa, vẽ móng, đính đá cầu kỳ cho móng tay, móng chân của chị em phụ nữ và cả nam giới (nếu có nhu cầu). Tuy nhiên, không phải thợ làm tóc nào cũng có thể đảm nhận được vai trò làm nail, vì nó khá phức tạp.

Tại một cửa hàng cắt tóc trên phố Việt Hưng (Hà Nội), chị Thu Khánh - chủ cửa hàng cho biết, nhiều nơi chỉ chuyên cắt tóc, gội đầu, tạo kiểu tóc chứ không có thợ làm nail. Do đó, nhiều cửa hàng mở thêm "mô hình liên kết" với các thợ dạo, chỉ cần "alo" là họ có mặt; cửa hàng thì có thêm tiền % dịch vụ.

Tranh thủ có khách muốn vẽ móng, đính đá, chị Khánh gọi đến số điện thoại 0127853xxxx của "mối ruột" chuyên làm "nail dạo". Chưa đầy 10 phút sau, một cô gái trẻ ăn mặc khá sành điệu, tên là Linh đã có mặt để "tác nghiệp".

Linh cho biết, nghề từ khi là thợ học việc cho một quán chuyên vẽ móng làm nail ở gầm cầu Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thạo nghề nhưng chưa có tiền mở cửa hàng riêng nên Linh chuyển sang nhận mối tại các cửa hàng cắt tóc gội đầu hoặc làm nail dạo tại các khu chợ như Hàng Da, chợ Hôm, chợ Đồng Xuân... (ở nội thành Hà Nội). Lâu dần, có nhiều khách quen, gọi điện, Linh đến tận nhà để phục vụ.

Hoại tử ngón chân vì "nail dạo" - 1

Các thợ “nail dạo” hành nghề ngay trên đường phố, vỉa hè bụi bặm.

Theo quan sát của PV, dụng cụ hành nghề của "nail dạo" khá đơn giản, thợ chỉ cần mang một bộ cắt, gọt móng chân, móng tay, khoảng chục loại sơn móng, ít bông, khăn, các mẫu bút vẽ móng, bột đắp, hạt đá và các loạt hạt đính lên móng...

Giá làm "nail dạo" thường "mềm" (tức rẻ) hơn nhiều so với giá trong tiệm, hợp với túi tiền của đại đa số "thượng đế". Dịch vụ cắt, tỉa và vẽ một bộ móng tay hoặc chân tại các tiệm hạng sang có giá khoảng 100.000 - 200.000 đồng. Trong khi đó, làm móng dạo có mức giá khoảng 50.000 - 70.000 đồng.

Nếu "thượng đế" có nhu cầu đắp móng bột, đính đá sẽ phải trả thêm khoảng 30.000 - 50.000 đồng, tuỳ theo mẫu vẽ móng. Theo quảng cáo của Linh, các loại sơn móng cô dùng đều của hãng OPI, Loreal, The Face shop nên mức giá cao hơn. Còn một số “nail dạo” khác lại dùng sơn móng gia công rẻ tiền nên chi phí dịch vụ khá "bèo", chỉ từ 30.000 đồng/lần vẽ móng.

Nhiều thợ làm móng có thể còn sử dụng chiêu thức "treo đầu dê, bán thịt chó" để đánh lừa khách hàng. Quảng cáo là dùng sơn móng "xịn" nhưng thực chất chỉ tái sử dụng vỏ của các lọ sơn đắt tiền để chứa sơn kém chất lượng (pha loãng sơn "xịn").

Sau đó, người làm nail dạo vẫn tính phí với "thượng đế" giá cao. Cách này, làm cho sơn nhanh khô nhưng lại ảnh hưởng tới "sức khỏe" của móng tay.

Các loại hạt đá, hạt trang trí móng được thợ tìm nguồn ở chợ Đồng Xuân, phố Hàng Bồ (Hà Nội). Năm nay, “nail dạo” còn có thêm hình thức làm đẹp móng mới là đính các loại hình trang trí bằng đất sét lên móng, từ hình hoa quả đến các con vật ngộ nghĩnh.

Mua một khúc đất sét chỉ mất 30.000 - 40.000 đồng, người ta cắt ra, có thể đính lên vài chục bộ móng tay, móng chân. Chất liệu bằng đất sét, giá rẻ nên các em tuổi teen rất chuộng. Cứ một tuần lại vẽ móng, đính đất sét/lần, giá thành thấp nhưng làm nhiều, vẫn cho người thực hiện thu nhập cao.

Các loại hạt đá, đất sét đính lên móng chân, móng tay là hàng gia công Trung Quốc.

Có thể phải tháo khớp... ngón

Khi hỏi, chất liệu các loại đất sét, hạt đá có ảnh hưởng đến mặt móng chân, móng tay không thì đa số thợ nail đều lắc đầu. Vì, họ chỉ được đào tạo vẽ móng theo các mẫu có sẵn, hoặc cập nhật thêm kiểu vẽ nào cho đẹp, bắt mắt chứ "khâu" chăm sóc móng thì do khách hàng tự xử lý.

Các loại hạt đá và đất sét này chủ yếu là hàng gia công của Trung Quốc. Bao bì rất đơn giản và là loại đá đính lên quần áo, giày dép chứ không phải là chất liệu được sử dụng dành riêng cho móng chân.

Do đó, đằng sau những bộ móng được sơn vẽ cầu kỳ, sành điệu, “nail dạo” cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cho các chị em. Chị Thanh Hà (Hàng Đường, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi trông coi cửa hàng nên có nhiều thời gian rảnh. Tôi thường  gọi thợ “nail dạo” đến vẽ móng. Trong lúc không cẩn thận, thợ cắt tỉa da thừa và bấm kìm quá sâu khiến khoé móng chân của tôi toé máu.

Sau đó, vết thương bị chín mé, sưng tấy. Nghĩ vết thương đơn giản nên tôi chỉ bôi nghệ tươi và băng bó qua loa. Vài hôm sau, ngón chân sưng to, tê buốt, chảy dịch vàng, tôi đến viện Da liễu (Hà Nội) khám mới biết, chân bị "chín mé" nặng, bị nhiễm trùng, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử phải tháo khớp, cắt bỏ ngón chân.

Do đó, việc vẽ móng theo kiểu “nail dạo” tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhiễm bệnh do kỹ thuật làm nail không đảm bảo. Trong khi cắt hoặc giũa móng tay, thợ dạo có thể gây ra những vết thương, dẫn đến nhiễm trùng".

Những kìm tỉa da, cắt móng, giũa, bàn xát mài cục chai, khăn được sử dụng chung cho những khách làm móng. Vấn đề đảm bảo vệ sinh, công đoạn khử trùng hầu như không có. Bất kể lúc nào khách cũng phải đối mặt với nguy cơ những vật dụng này cắt vào da làm chảy máu và ngay lập tức đưa vi khuẩn vào cơ thể.

Đây là nguyên nhân gây ra bệnh chín mé - bệnh nhiễm trùng tạo mủ hoặc áp xe ở đầu mút các ngón tay, ngón chân. Nếu không được chữa trị kịp thời, giữ vệ sinh thì bệnh có thể gây những biến chứng như viêm xương, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể dẫn tới tử vong. Với những trường hợp để quá muộn, khi nhiễm trùng đã hoại tử, có thể sẽ phải tháo khớp hoặc cắt bỏ ngón tay để bảo đảm tính mạng.

Có thể sinh con quái thai

Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia da liễu, các hóa chất trong sơn móng tay rẻ tiền và các loại móng nhựa giả, nước tẩy móng như benzen, toluen... đều là các chất gây nhiễm độc.

Benzen là loại dung môi hữu cơ, bay hơi nhanh, được hấp thụ qua đường hô hấp, sau đó lưu tại gan, tuỷ sống và các tế bào mỡ. Benzen còn ảnh hưởng tới thần kinh, làm cho người tiếp xúc choáng váng, giảm trí nhớ, nếu hít phải liên tục trong thời gian dài, sẽ gây hại phổi, có thể dẫn tới ung thư.

Còn chất toluen, hít phải thường xuyên sẽ gây độc trực tiếp, đặc biệt phụ nữ đang mang bầu có thể sinh con quái thai. Toluen ít tan trong nước, được phân bố nhanh vào các mô tế bào não, gan, thận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hoà (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN