Không ngờ thứ tự sinh ra cũng ảnh hưởng tới tính cách mỗi người
Con cả thường là người có trách nhiệm, trong khi con thứ hay có tính cách nổi loạn, còn con út thì là những người thích thể hiện cá tính bản thân.
Bạn có biết rằng thứ tự sinh ra cũng ảnh hưởng đến đặc điểm tính cách của bản thân? Giữa những anh chị em có cùng môi trường trưởng thành, nhưng lại có sự khác biệt về tính cách vô cùng độc đáo. Thứ tự sinh ra và sự phát triển nhân cách luôn có mối liên hệ với nhau. Nhiều người tin rằng, thứ tự sinh có tác động đáng kể đến sự phát triểm tâm lý. Theo nhiều nghiên cứu, mô hình phát triển tâm lý của con đầu lòng, con thứ hay con út có sự giống nhau đến kỳ lạ giữa các nhóm anh chị em khác nhau.
Con đầu lòng thường là trụ cột tình cảm đối với những người xung quanh
Nghiên cứu cho thấy những đứa con đầu lòng có nhiều kỹ năng mềm rất tuyệt vời. Họ thường rất ổn định về mặt tình cảm và trưởng thành. Con đầu lòng thường theo bản năng sẽ chăm sóc cho những đứa em của mình khi vắng mặt bố mẹ. Do đó, họ thường là những người phải nhận trách nhiệm và xử lý mọi việc khi có tình huống bất ngờ xảy ra đối với những đứa em trong gia đình. Điều đó khiến họ trở thành những người có nguyên tắc, chu đáo và biết kiểm soát.
Sự hào hứng khi được làm bố mẹ lần đầu thường khiến các bậc phụ huynh có xu hướng quá chú ý và đặt nhiều kỳ vọng lên đứa con đầu lòng. Vì vậy họ vô tình trở thành “đứa trẻ thực nghiệm” của bố mẹ. Những đứa con đầu lòng có xu hướng cầu toàn và mong muốn làm hài lòng cha mẹ. Họ cũng rất khát khao chiến thắng, có tham vọng và không dễ dàng từ bỏ.
Con thứ thường nổi loạn để được công nhận
Có một thuật ngữ là “Middle Child Syndrome” dùng để chỉ sự đối xử không công bằng của cha mẹ đối với những người con thứ so với anh chị em của họ. Họ rất khó để vượt qua được cái bóng hoàn hảo của anh chị cả, cũng không được cưng chiều như những đứa em út. Điều này ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý của những đứa con thứ, khiến họ thường tìm cách để nhận được sự công nhận và chú ý từ cha mẹ. Để tạo ra sự khác biệt so với anh chị lớn, những đứa con thứ thường có xu hướng chọn một con đường độc nhất và làm mọi thứ càng khác càng tốt so với những anh chị lớn hơn.
Con thứ cũng là những người có tính cách hướng ngoại và độc lập. Họ thường băn khoăn về vị trí của mình trong gia đình và hay so sánh bản thân mình với các anh chị em. Điều đó tạo nên tính cách thích cạnh tranh ở những người con thứ. Đồng thời, họ cũng ít bị ràng buộc bởi trách nhiệm và sự dạy dỗ của cha mẹ hơn nên dễ dàng tạo nên tính cách độc lập với gia đình, họ có thể nhanh chóng kết giao bạn bè, tự tạo mối quan hệ mới cho bản thân nên tính cách rất hòa đồng.
Con út là những “em bé” trong gia đình
Những bậc cha mẹ thường có xu hướng nới lỏng các quy định nghiêm ngặt họ đặt ra đối với đứa con út. Họ được coi là “em bé” và không phải chịu nhiều áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ như các anh chị của mình. Bởi vậy, những người con út thường phát triển các đặc điểm rất khác biệt so với những đứa con khác trong gia đình.
Không phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm nên họ thường rất vui vẻ và hạnh phúc, họ không cần phải lo lắng về việc làm hài lòng cha mẹ hay bận rộn tìm kiếm bản sắc độc đáo để được cha mẹ chú ý. Điều đó khiến những người con út thường rất tự do để thể hiện cá tính của mình và thường coi bản thân mình là trung tâm.
Những “em bé” của gia đình thường được các anh chị cưng chiều, chăm sóc và học hỏi được nhiều điều từ họ. Do đó, đây thường là những người sáng tạo, quyến rũ và cực cuốn hút, tuy nhiên họ cũng có thể có “xu hướng hư hỏng” vì được chiều chuộng quá nhiều.
Con một là những người có phẩm chất lãnh đạo tuyệt vời
Do có vị trí độc tôn trong gia đình, tính cách của con một là tổ hợp pha trộn từ những phẩm chất của con đầu lòng, con thứ và con út. Được nhận sự quan tâm tuyệt đối từ cha mẹ nên con một thường sống trong sự kỳ vọng, họ có trách nhiệm và thích làm hài lòng người khác. Tuy nhiên, do không có anh chị em đồng trang lứa nên họ thường gặp khó khăn khi kết nối với bạn bè cùng độ tuổi và đôi khi không hiểu được cách sẻ chia. Đồng thời đây cũng là những người rất tinh ý và cầu toàn. Bởi vậy những người con một thường có vẻ trưởng thành hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi. Nhờ đó, họ có thể đảm nhận các vị trí lãnh đạo một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, họ cũng thích coi mình là trung tâm và có “xu hướng hư hỏng”.
Các kỹ năng phi nhận thức có thể suy giảm khi thứ tự sinh giảm dần
Điều này có nghĩa là những đứa trẻ đầu lòng thường có xu hướng tận tâm, kiên trì và có tinh thần đồng đội tốt. Những kỹ năng này có vai trò cực kỳ quan trọng đối với thành tích của trẻ và trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, những kỹ năng này thường suy giảm khi thứ tự sinh giảm dần, những đứa trẻ sinh ra sớm hơn sẽ được trang bị nhiều hơn để làm được những công việc đòi hỏi kỹ năng phi nhận thức. Do đó, thường có sự phân loại nghề nghiệp giữa các anh chị em trong gia đình.
Tính cách của con nuôi có thể bị ảnh hưởng dựa vào thời điểm nhận nuôi
Nếu một đứa trẻ được nhận nuôi trong giai đoạn vẫn là trẻ sơ sinh, chúng sẽ dễ dàng đảm nhận vị trí trong thứ tự sinh của gia đình đó mà không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ được nhận nuôi muộn hơn, sau khi đã bắt đầu phát triển tâm lý, thì nó có thể xảy ra mâu thuẫn về nhận thức thứ tự sinh của mình. Ví dụ, nếu đứa trẻ sinh ra là con đầu lòng, nhưng lại được nhận nuôi về làm thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình, thì nó thường sẽ không hình thành các đặc điểm tính cách có trên con út dù họ là người bé nhất trong gia đình mới này.
Nguồn: [Link nguồn]
Oxytocin, đôi khi được gọi là "hormone tình yêu", có thể giúp chữa lành những trái tim tan vỡ - theo nghĩa đen. Trong một nghiên cứu mới về cá ngựa vằn và tế bào người,...