Hòa Minzy lên cơn đau dạ dày tái phát, chuyên gia khuyến cáo giới trẻ cần tránh xa những thói quen xấu gây bệnh này
Hòa Minzy từng phải phẫu thuật vì bị viêm loét, chảy máu dạ dày. Gần đây, nữ ca sĩ tiết lộ cơn đau của cô lại tái phát.
Mới đây, ca sĩ Hòa Minzy đăng tải story mới trên mạng xã hội khiến nhiều người lo lắng. Nữ ca sĩ đăng ảnh chụp gương mặt kèm theo lời tiết lộ sức khỏe hiện tại: "Chuẩn bị hát nhưng mà lại đau dạ dày cơ". Thông tin này ngay lập tức khiến nhiều người hâm mộ quan tâm, bày tỏ sự lo lắng vì căn bệnh cũ của cô tái phát.
Hòa Minzy từng phải phẫu thuật dạ dày
Năm 2018, Hòa Minzy được chẩn đoán bị viêm loét nặng, chảy máu dạ dày. Khi đó, nữ ca sĩ luôn cố chịu đựng các cơn đau dạ dày để hoàn thành xong công việc đã lên lịch từ trước. Cho tới khi bệnh tình trở nặng và không thể cầm cự thêm, nữ ca sĩ mới nhập viện điều trị.
Trong một chương trình, Hòa Minzy cho biết thời gian qua cô làm việc quá sức dẫn đến việc cơ thể quá tải: “Mình chưa bao giờ gặp phải tình trạng như thế này trong đời. Thực sự mình rất mệt mỏi. Những gì áp lực nhất trong cuộc sống mình đã trải qua rồi, không hiểu sao sau 1 năm đến giờ lại cảm thấy mệt mỏi như thế. Mình trở thành người khó kiểm soát cảm xúc.
Có lẽ thời gian vừa qua mình lao đầu vào công việc quá nhiều, mình làm việc đến mức quá tải và cơ thể đã bắt đầu phản ứng lại. Mình đã cố gắng để mang lại sự vui vẻ, lạc quan cho mọi người. Nhưng có thể tâm lý bên trong của mình đã đọng lại một thứ gì đó, để đến bây giờ cơ thể phản ứng lại, tâm trí phản ứng lại, trái tim và cảm xúc của bản thân đều phản ứng lại. Nói tóm lại, Hòa thấy từ sức khỏe đến tâm lý của bản thân đều đang cần được phục hồi”.
Vì sao áp lực, căng thẳng, stress, thức khuya lại gây ra đau dạ dày?
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia y tế, áp lực từ cuộc sống rất dễ đẩy bạn vào tình trạng căng thẳng stress, mất ngủ, khó ngủ… dẫn đến cơ thể mệt mỏi, không tốt cho sức khỏe, đây còn là nguyên nhân gây đau dạ dày.
Những người thường xuyên bị căng thẳng, áp lực thường có nguy cơ đau dạ dày cao hơn những người bình thường. Nguyên nhân là do căng thẳng, áp lực khiến dạ dày tăng co bóp và tiết dịch, mất cân bằng dẫn đến tự bào mòn niêm mạc gây viêm loét.
Khi sự căng thẳng kích thích hệ thống thần kinh trung ương, tiêu hóa có thể ngừng trệ. Bởi vì hệ thống thần kinh trung ương của bạn "tắt" lưu lượng máu. Việc này ảnh hưởng đến các cơn co thắt của cơ bắp nơi bộ phận tiêu hóa và giảm tiết cần thiết cho việc tiêu hóa.
Căng thẳng, stress có thể gây ra sự co thắt ở thực quản. Nó có thể làm tăng axit trong dạ dày gây ra chứng khó tiêu. Khi bị stress, hoạt động của dạ dày có thể bị ảnh hưởng và làm cho bạn cảm thấy buồn nôn.
Ngoài ra, thức khuya, dạ dày sẽ không được nghỉ ngơi nên sẽ tiết ra nhiều acid dịch vị. Nồng độ acid dịch vị tăng cao sẽ khiến tổn thương niêm mạc dạ dày, gây trào ngược dạ dày, thậm chí còn dẫn đến tình trạng viêm dạ dày, loét dạ dày...
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp căng thẳng đều gây viêm loét dạ dày, viêm dạ dày hay viêm đại tràng. Nhưng chắc chắn sự căng thẳng có thể khiến hệ tiêu hóa trở nên tồi tệ hơn. Và nếu tình trạng này diễn ra liên tục sẽ gây viêm loét dạ dày.
Cần làm gì để ngăn ngừa bệnh dạ dày tái phát?
Ảnh minh họa
Theo các nghiên cứu, để giúp giảm stress, cân bằng trạng thái tâm lý trước hết cần có chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, hạn chế ăn các đồ ăn cay nóng, nhiều acid và chất béo, tăng cường các loại rau xanh, các thực phẩm nhiều vitamin và khoáng chất.
Thay đổi các thói quen ăn uống có hại cho dạ dày như: Ăn quá no hoặc quá đói, ăn quá khuya, vừa ăn vừa làm việc… Hạn chế sử dụng các chất kích thích như: Bia, rượu, thuốc lá, cà phê… Ngủ đủ giấc, làm việc và nghỉ ngơi có kế hoạch cụ thể.
Dù bận hoặc vì một lý do nào đó mà buộc phải thức khuya, cũng cần phải đảm bảo mình phải ngủ được ít nhất 4 - 5 tiếng mỗi ngày. Và trong 4 tiếng này, đó chắc chắn phải là 1 giấc ngủ liền mạch, giấc ngủ sâu, không đứt đoạn, mộng mị. Nếu phải thức khuya, hãy cố gắng ăn tối trước 8 giờ tối.
Nếu đói vào khoảng thời gian từ 12h đến 5h sáng thì chỉ nên ăn các món ăn nhẹ có nhiều chất xơ và Protein. Tránh các món ăn nhiều đường và chất béo. Cháo là lựa chọn tốt nhất. Nếu không muốn ăn gì thì hãy uống một ly sữa nóng.
Trong chế độ ăn hàng ngày, cần bổ sung chất xơ từ rau, củ, quả. Bổ sung vitamin A có lợi cho mắt sáng từ các loại rau có màu xanh, quả màu đỏ như cà chua, ớt chuông, cà rốt. Ăn uống các thực phẩm giàu vitamin B như thịt nạc, Omega - 3 trong cá giúp não bộ hoạt động tốt hơn. Việc ăn uống lành mạnh và đủ chất sẽ giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm nguy cơ bệnh tật, mệt mỏi.
Dấu hiệu đau dạ dày cần được điều trị sớm
Đau dạ dày là tình trạng người bệnh gặp phải các cơn đau âm ỉ, nóng rát hoặc tức tại vùng bụng trên do rối loạn vận động của dạ dày và có tăng tiết axit dịch vị dạ dày hoặc do dạ dày bị tổn thương vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đau dạ dày có thể xuất hiện ở chính giữa bụng, cũng có thể lệch sang bên phải hoặc bên trái, sau đó lan ra sau lưng. Cơn đau có thể xuất hiện khi đói hoặc về ban đêm, cũng có thể đau sau khi ăn, khiến người bệnh cảm giác tức bụng, ấm ách không ăn được nhiều.
Cảm giác đau, khó chịu thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cơn đau kéo dài và dữ dội, đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm, người bệnh cần đến thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch ca sĩ Tóc Tiên mắc phải không những làm mất thẩm mỹ mà còn có thể gây ra những nguy hiểm khó lường.
Nguồn: [Link nguồn]