Ho kéo dài về đêm uống thuốc mãi không khỏi, chuyên gia cảnh báo cần đề phòng bệnh nguy hiểm này
Ho lâu ngày không khỏi có thể do các kích thích từ bên ngoài hoặc do các bệnh lý nguy hiểm tại đường hô hấp. Lúc này cần đi khám sớm để tìm rõ nguyên nhân.
Ho là một phản xạ tốt của cơ thể, giúp loại bỏ chất nhầy, bụi bẩn, vi khuẩn, virus ra khỏi hệ hô hấp. Tuy nhiên, ho kéo dài, lâu ngày không khỏi, nhất là về đêm thường khiến người bệnh mất ăn, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và tinh thần.
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ho kéo dài, nhưng thường gặp nhất là do đường hô hấp bị viêm, nhiễm trùng, lâu ngày làm cho niêm mạc phế quản, phổi dần tăng sinh, tái cấu trúc. Lúc này, các tế bào đường thở trở nên xơ sẹo, thành phế quản dày lên, khả năng co giãn, đàn hồi bị suy giảm, khiến người bệnh hít vào không đủ O2 và thở ra không hết CO2, khí bị đọng lại bên trong phế nang, kích thích niêm mạc đường thở, gây ho kéo dài.
Ngoài ra, tái cấu trúc cũng là nguyên nhân khiến cho niêm mạc phế quản, phổi dễ nhạy cảm với các tác nhân có hại: Vi khuẩn, virus, bụi bẩn,… làm tăng nguy cơ gây viêm, nhiễm trùng đường thở, khiến cho các cơn ho tái đi tái lại nhiều lần.
Tình trạng ho kéo dài về đêm có thể cảnh báo bệnh sau:
Hen suyễn
Hầu hết bệnh nhân bị bệnh hen suyễn có thể gặp phải các vấn đề hô hấp như ho khan kéo dài. Vì vậy, dấu hiệu ho khan về đêm cũng có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh hen suyễn. Những triệu chứng của bệnh hen suyễn xuất hiện và biến mất phụ thuộc vào các hoạt động và yếu tố bên ngoài tác động. Đặc biệt, những triệu chứng hen suyễn đầu tiên thường là ho và thở rít, triệu chứng thường tái đi, tái lại và thường nặng về đêm, khi gắng sức hoặc khi gặp lạnh. Cơ thể bị nhiễm lạnh, cảm cúm hoặc bị nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây bùng phát bệnh hen suyễn, khi đó bệnh nhân cảm thấy khó thở, thở rít, ho khan hoặc ho khạc đờm tăng, cảm giác nặng ngực...
Ảnh minh họa
Viêm xoang
Khi bị viêm xoang, các xoang bị tắc gây ngạt mũi, các chất nhầy từ xoang chảy xuống mặt sau của cổ họng. Vào ban ngày các dịch nhầy này được xì ra hoặc tự trôi xuống đường tiêu hóa, nhưng về ban đêm dịch nhầy rất dễ bị ứ lại nơi cổ họng và gây ho. Chứng nghẹt mũi do viêm xoang khiến người bệnh phải thở bằng miệng khi ngủ khiến cổ họng bị khô, rát và bị ho về đêm.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược axit trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản (hay còn gọi là GERD) cũng gây ho khan kéo dài. Khi nằm xuống, axit gây khó tiêu và ợ nóng trong dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, tràn qua phổi, dẫn đến ho khan liên tục. Nếu nguyên nhân gây ho khan kéo dài vào về ban đêm đã được xác định là do trào ngược, hãy cố gắng ăn ít hơn vào bữa chiều tối, khi ngủ nên gối cao đầu để việc trào ngược sẽ giảm đi và giảm bớt ho.
Ho gà
Ho khan nhiều lần, kế tiếp nhau thành từng cơn trong một thời gian ngắn, điển hình là cơn ho gà: bệnh nhân sẽ ho liền một cơn sau đó hít một hơi dài và tiếp tục ho từng cơn nữa. Cơn ho kéo dài sẽ gây tăng áp lực trong lồng ngực, gây ứ huyết tĩnh mạch chủ trên, khiến cho bệnh nhân bị đỏ mặt, tĩnh mạch cổ nổi phồng, cơn ho có thể làm chảy cả nước mắt, đôi khi còn gây ra phản xạ nôn ói. Người bệnh bị ho gà có thể kèm theo đau ê ẩm ngực, lưng và bụng do các cơ hô hấp bị co bóp quá mức.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu người bệnh ho khan kéo dài trên 5 ngày thì tốt nhất nên đi khám. Nếu ho kéo dài trên 3 tuần, điều trị bằng thuốc không giảm, ho có kèm theo sốt hoặc ho có đờm xanh, vàng, ho ra máu, hơi thở nông hoặc đau ngực khi ho, đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm, cần được thăm khám và xử trí kịp thời.
Nguồn: [Link nguồn]
Người bệnh không nên ăn những thức ăn đồ uống quá lạnh, những thực phẩm cay nóng, đồ chiên rán và đồ ăn nhanh...