HN: Ráo riết chống cúm A/H7N9 gây chết người
Theo TS. Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện số người mắc cúm A/H7N9 là 14 người, 6 người tử vong.
Ngày hôm nay 5/4, Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc họp khẩn về công tác phòng chống, ngăn chặn sự lây lan của chủng cúm A/H7N9.
TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, các chủng cúm H7N2, H7N3, H7N7 trước đây thường chỉ gây bệnh nhẹ ở người và không có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, chủng cúm H7N9 lần đầu tiên xuất hiện trong thời gian gần đây có độc lực khá mạnh, gây tử vong cao, tương đương với vi rút cúm H5N1.
Theo ông Kính, diễn biến trên bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 tương tự như bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 với các tổn thương phổi, viêm phổi diễn tiến nhanh chóng, nguy cấp. Hiện việc điều trị cho bệnh nhân cúm H7N9 vẫn chủ yếu bằng thuốc chống cúm Tamiflu.
TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh Nhiệt đới TW cùng lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác chống cúm A/H7N9
TS. Kính nhận định nguy cơ vi rút cúm "chết người" vào Việt Nam là rất lớn. Bên cạnh đó, nếu không chú ý giám sát tốt vấn đề buôn bán, vận chuyển gia cầm, thủy cầm, kiểm dịch y tế đối với người tại các sân bay, cửa khẩu thì khả năng lây lan là có thể xảy ra.
Theo ThS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về cơ bản, việc xử lý các ca cúm A/H7N9 tương tự với việc phòng chống cúm A/H5N1. Dự kiến, trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ ban hành Quy trình hướng dẫn, xử lý, giám sát ổ dịch. Đồng thời, Bộ cũng sẽ có các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương.
Các chuyên gia cảnh báo virus cúm A/H7N9 nguy hiểm hơn nhiều virus cúm A/H1N1 đã từng gây đại dịch ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Điều lo ngại nhất là hiện nay Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế Trung Quốc và các nước vẫn chưa xác định được chính xác nguồn lây của cúm A/H7N9.
Để chủ động ngăn chặn lây lan của virus cúm A/H7N9, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thực hiện giám sát bệnh chủ động để cách ly, thu dung, điều trị kịp thời không để dịch lan rộng. Giám sát trọng điểm các khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có gia cầm ốm chết để chủ động dự báo dịch và triển khai phòng chống dịch hiệu quả.