Hiểu đúng về di chứng hậu COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Khi khỏi bệnh COVID-19, người bệnh có nguy cơ gặp phải những di chứng rất nặng nề, cần sự can thiệp của các chuyên gia phục hồi chức năng về hô hấp hoặc tâm lý trị liệu.

Theo BS Chu Thị Quỳnh Thơ, Quyền Trưởng Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện (BV) ĐH Y Hà Nội, virus SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương đa cơ quan. Vì vậy, bệnh nhân mắc COVID-19, nhất là bệnh nhân có triệu chứng, khi đã qua giai đoạn cấp tính (khỏi bệnh) vẫn có thể có những triệu chứng tồn tại dai dẳng.

Điều trị hậu COVID-19 khá quan trọng

Thông thường, bệnh nhân hậu COVID-19 gặp phải các triệu chứng như suy giảm thể chất, rối loạn chú ý giảm khả năng tập trung, các chức năng sinh hoạt hằng ngày cũng chịu sự chi phối lớn sau khi khỏi COVID-19. Các triệu chứng khác như mệt mỏi, đau cơ, nhiều nhất là khó thở. Tình trạng khó thở có thể kéo dài từ một đến hai tháng sau khi khỏi bệnh.

Nhiều trường hợp trong quá trình điều trị gặp một số rối loạn nuốt sau khi đặt ống nội khí quản hay những rối loạn về sau. Tất cả vấn đề này đều phải được phục hồi để cuộc sống của người khỏi COVID-19 sớm quay lại ổn định.

“Sau 1-2 tuần xuất viện, nhiều bệnh nhân có than vãn với chúng tôi rằng họ không thể trở lại công việc cũ, thậm chí không thể giao lưu với hàng xóm, gần như chỉ làm những hoạt động đơn giản trong gia đình. Như vậy, COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, cả về tâm lý lẫn thể chất. Cần thiết phải phục hồi sớm cho những bệnh nhân này” - BS Thơ cho hay.

Theo PGS-TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc BV điều trị người bệnh COVID-19 ĐH Y Hà Nội, ngoài những rối loạn tâm lý, người mắc COVID-19 có thể bị tổn thương phổi, yếu cơ toàn thân, tăng nguy cơ đột quỵ, nguy cơ tim mạch… Tổn thương nặng nhất đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19 đó là tổn thương về phổi, hô hấp.

Những bệnh nhân tổn thương phổi, xơ phổi nặng sẽ giảm chức năng thông khí của phổi, rối loạn chức năng hô hấp dễ khiến bệnh nhân khó thở, hụt hơi, ho dai dẳng. Với triệu chứng như vậy, bệnh nhân rất khó quay lại với công việc hằng ngày bình thường như trước đây.

Tổn thương phổi đòi hỏi phải có nhiều thời gian để hồi phục dần. Đây là tổn thương nguy hiểm nhất đối với hậu COVID-19, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh các di chứng nặng, nhiều người khỏi COVID-19 thường phàn nàn bị mất ngủ, chán ăn, có người rối loạn tâm thần, trầm cảm… và một số vấn đề khác như rối loạn kinh nguyệt…

Chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: PV

Chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: PV

Tại TP.HCM, ngành y tế xem vấn đề hậu COVID-19 là vấn đề đáng quan tâm, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành trong năm 2022. Một số BV tại TP.HCM đã thành lập Khoa phục hồi chức năng hậu COVID-19 như BV Lê Văn Thịnh, BV Thống Nhất. 

Ai sẽ gặp di chứng hậu COVID-19?

BS Chu Thị Quỳnh Thơ cho rằng không phải ai mắc COVID-19 cũng gặp di chứng sau khỏi bệnh. Biến chứng hậu COVID-19 hay gặp ở bệnh nhân có nguy cơ cao, gặp nhiều ở những người cao tuổi.

Để đánh giá đó có đúng là di chứng hậu COVID-19 hay không, bệnh nhân khỏi COVID-19 nên gặp nhân viên y tế để có đánh giá chính xác.

Hiện tại, Khoa phục hồi chức năng của BV ĐH Y Hà Nội đang xây dựng bộ công cụ để theo dõi bệnh nhân lâu hơn. Có những bệnh nhân cần được theo dõi kéo dài trong thời gian tới sáu tháng, thậm chí một năm để có thể tầm soát, sàng lọc đối tượng có nhu cầu tiếp tục can thiệp về mặt y tế để có thể phục hồi chức năng, tâm lý.

BV điều trị người bệnh COVID-19 tại Hà Nội là đơn vị tiên phong ở phía Bắc thành lập Khoa hồi phục chức năng hậu COVID-19 với 40 giường.

Hiện khoa đang có bốn bác sĩ chính thức, ngoài ra có những bác sĩ phục hồi chức năng luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân. Tuy nhiên, do chưa có đầy đủ máy móc, thiết bị, cộng thêm số F0 ở Hà Nội đang lớn nên khoa vừa vận hành vừa bổ sung, điều tiết nhân sự.

Sắp tới, BV huy động bác sĩ ở ĐH Y Hà Nội chuyên ngành hô hấp, tâm thần, đồng thời phối hợp với một số BV khác chăm sóc bệnh nhân khi đủ điều kiện ra viện.

Lưu ý dành cho người đã khỏi COVID-19

Người khỏi COVID-19 nên chăm sóc nhiều hơn cơ thể của mình, cố gắng ăn các bữa ăn lành mạnh, có đầy đủ chất dinh dưỡng. Tập thể dục, ăn ngủ điều độ. Tránh rượu và chất kích thích, đồng thời thư giãn, thực hiện một số hoạt động mà bản thân yêu thích. Nếu các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài hoặc có tiến triển nặng lên, người bệnh cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

GĐ Bệnh viện Thống Nhất: Không nên xem nhẹ điều trị hậu COVID-19

Sau những ngày vật lộn với bệnh COVID-19, nhiều bệnh nhân vẫn chưa ổn định về tinh thần cũng như các bệnh nền nguy cơ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BÁCH AN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN