Hiểu biết sai lầm khiến dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát

Nhiều người cho rằng, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ sinh sản ở môi trường ao tù, nước bẩn nên lơ là dọn dẹp, vệ sinh những vật dụng chứa nước sạch ngay trong chính ngôi nhà mình. Đây là hiểu biết sai lầm mà người dân cần phải thay đổi để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay.

Chủ động loại bỏ các dụng cụ chứa nước trong mỗi gia đình để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Chủ động loại bỏ các dụng cụ chứa nước trong mỗi gia đình để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Những nơi sinh sản không ngờ của muỗi sốt xuất huyết

Breteau index (BI) là chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn. Nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên, có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát. Riêng tại khu vực miền Bắc, chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, kết quả giám sát điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết trong 3 tuần gần đây (từ ngày 21-10 đến 11-11) cho thấy, chỉ số BI tại một số nơi cao vượt ngưỡng. Thậm chí có nơi, chỉ số BI cao gấp hơn 2 lần yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết.

Cụ thể, giám sát điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết tại thôn 7, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ có chỉ số BI=50; ổ dịch thôn Thao Nội, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên là BI=55; ổ dịch thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh BI=35; ổ dịch thôn Vũ Lăng, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai BI=20.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), muỗi Aedes aegypti là thủ phạm (vector chính) truyền vi rút gây bệnh sốt xuất huyết. Loại muỗi này còn gọi là muỗi “quý tộc”, muỗi “nhà vua” hoặc muỗi vằn bởi khả năng sinh sản cao và có tập tính đẻ ở nơi nước trong. Khi đẻ trứng, muỗi vằn thường chọn đẻ nơi nước sạch, chúng hoàn toàn không đẻ nơi ao tù, nước thải cống hôi thối như nhiều người dân thường nghĩ. 

Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra dụng cụ chứa nước, nguy cơ muỗi đẻ trứng gây dịch bệnh sốt xuất huyết.

Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra dụng cụ chứa nước, nguy cơ muỗi đẻ trứng gây dịch bệnh sốt xuất huyết.

Do không hiểu hết về những đặc tính trên của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết nên nhiều hộ gia đình chủ quan, không dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên mọi vật dụng có thể chứa trứng muỗi, bọ gậy (loăng quăng), bao gồm cả dụng cụ chứa nước trong như lọ hoa chứa nước lâu ngày trên bàn thờ; chậu hoa cây cảnh chứa nước, bể chứa nước mưa…, đặc biệt là các dụng cụ phế thải xung quanh nhà có khả năng chứa nước mưa trong (như: Vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ, mảnh gáo dừa, lốp xe, chum vại…). Điều đó lý giải vì sao, chỉ số BI tại một số nơi cao vượt ngưỡng.

“Muỗi sốt xuất huyết chỉ đẻ ở các vật chứa nước có sẵn trong nhà và xung quanh nhà, nhất là những vật chứa có ánh sáng mặt trời chiếu rọi 30-40%/ngày (làm nước ấm). Chính vì vậy, để tiêu diệt và chặn đứng đường sinh sản của muỗi thì việc làm đầu tiên là dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để muỗi không có nơi sống và sinh sản”, Cục Y tế dự phòng thông tin.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cũng cho rằng, khẩu hiệu “Không có muỗi vằn, không có loăng quăng, không còn sốt xuất huyết” chỉ phát huy tác dụng khi mỗi người dân tự ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết đòi hỏi yêu cầu cao hơn. 

“Ngoài việc làm cho đường thông, hè thoáng, vườn, cổng ngõ sạch đẹp, tinh tươm thì vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết còn chú trọng đến những chi tiết, vật dụng nhỏ như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ mấy ngày chưa dọn, một chiếc lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, một xô nước không được đậy kỹ, một bể chứa nước không có nắp đậy… Những thứ đó sẽ trở thành nơi chứa nước lý tưởng cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển”, ông Khổng Minh Tuấn nói.

 Đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân.

 Đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân.

Hạn chế mở cửa lúc sáng sớm 

Theo báo cáo mới đây của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tích lũy từ đầu năm 2022 cho đến nay, cả nước ghi nhận 303.637 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 4,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó đã có 112 trường hợp tử vong (tăng 88 trường hợp). Hiện nay, số ca mắc tại miền Nam giảm, miền Bắc và miền Trung tiếp tục tăng.

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, từ đầu năm 2022 đến nay đã ghi nhận 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. 

Trước nay, người dân luôn có quan niệm phòng, chống muỗi đốt vào ban đêm bởi vì đây là thời điểm số lượng muỗi xuất hiện nhiều nhất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, muỗi gây sốt xuất huyết lại là muỗi hoạt động vào ban ngày. Hơn nữa, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thích cư trú tại các chỗ tối trong nhà như mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm treo cửa trong phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, tủ, hốc, gầm giường, sau rèm…

Chính vì vậy, để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả, mọi người nên chú ý việc phòng muỗi đốt vào ban ngày như: Đốt nhang xua muỗi, bôi kem chống muỗi, ngủ màn..., đồng thời, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, để hạn chế nơi muỗi trú ẩn.

 Phun hóa chất trên diện rộng phòng, chống sốt xuất huyết.

 Phun hóa chất trên diện rộng phòng, chống sốt xuất huyết.

Để phòng, chống sốt xuất huyết, TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, ký sinh trùng trung ương cũng đưa ra lưu ý, đặc điểm của muỗi sốt xuất huyết là chỉ hoạt động vào ban ngày nên mỗi người dân cần chú ý hạn chế mở cửa lúc sáng sớm để phòng muỗi vào nhà. Đây cũng là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Còn trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h, khi có nắng lên là muỗi ít hoạt động hơn.

Ngoài ra, khoảng thời gian nhập nhoạng tối, muỗi có thói quen bay vào nhà để tìm nơi trú ngụ nên cũng hạn chế mở cửa thời điểm này.

Bên cạnh đó, để loại bỏ hoàn toàn muỗi gây bệnh, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân nên chú ý kiểm tra mỗi tuần 1 lần các vật dụng trong nhà như: Bình hoa lâu ngày chưa thay nước, các thùng, lu, mái sau nhà ít sử dụng, các mảnh vỡ, chai lọ bể, phế phẩm, gáo dừa, các dụng cụ chứa nước cho gà uống, các vật dụng trữ nước ngoài vườn... cần được lật úp. Loại bỏ môi trường sinh sôi, phát triển của muỗi là biện pháp phòng bệnh căn cơ, lâu dài, hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Ăn gì giúp hỗ trợ tăng tiểu cầu trong bệnh sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, trong đó có giảm tiểu cầu. Vậy làm thế nào để tăng tiểu cầu, giúp giảm biến chứng của bệnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THU TRANG ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN