Hiếm gặp: Bé gái 15 tháng tuổi bị “sùi bọt cua” liên tục từ lúc mới chào đời
Ngay sau sinh ở bệnh viện tỉnh, bé N. bị khó thở, "sùi bọt cua" liên tục.
Theo tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, bé N.K.N ở Bình Định được chẩn đoán bị khe hở khí thực quản, teo thực quản type A - một thể bệnh hiếm.
Theo gia đình của bệnh nhi, khi mang thai bé N được 33 tuần, mẹ bé đi khám và phát hiện đa ối. Thời điểm đó, các bác sĩ đã giải thích cho gia đình rằng, em bé sinh ra có nguy cơ mắc dị tật teo thực quản.
Bệnh nhi được các bác sĩ thăm khám trước khi ra viện.
Ngay khi sinh ra tại bệnh viện tỉnh, bé N rơi vào tình trạng khó thở, liên tục trào dịch nước bọt lên miệng (sùi bọt cua), các bác sĩ không thể đặt được sonde vào dạ dày và đã chuyển bé đến một bệnh viện chuyên khoa nhi tại TP.HCM. Tại đây, bé được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mở thông dạ dày (để bơm sữa nuôi sống) khi được 4 ngày tuổi.
Tuy nhiên, bệnh teo thực quản của bé N chưa được điều trị triệt để. Bé thường xuyên trào dịch nước bọt lên miệng và đường hô hấp, khiến bị viêm phổi thường xuyên và phải nằm viện liên tục từ khi sinh ra đến nay. Sau khi được một số nhà hảo tâm hỗ trợ, gia đình đã đưa bé tới Bệnh viện Nhi trung ương để điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Minh Khôi, khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dị tật teo thực quản type A là dị tật phức tạp, hiếm gặp, việc phẫu thuật và hậu phẫu khó khăn.
"Căn bệnh này khiến bệnh nhân liên tục bị tiết nước bọt. Nước bọt tiết ra ứ tại thực quản teo khiến bé thường xuyên phải nhè nước bọt và móc họng. Trẻ không tự ăn uống được, chỉ bơm sữa qua mở thông dạ dày", BS Khôi thông tin.
Để chữa căn bệnh này, các bác sĩ quyết định phẫu thuật tạo hình thực quản cho bệnh nhi.
Sau khi điều trị ổn định viêm phổi, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực đã phối hợp với các bác sĩ khoa Tai- Mũi -Họng tiến hành khâu khe hở khí thực quản qua đường miệng cho trẻ. Ngay sau phẫu thuật, tình trạng sùi nước bọt, khó thở dần biết mất.
Sau gần một tháng, TS.BS Tô Mạnh Tuân - BS Nguyễn Minh Khôi cùng ekip phẫu thuật khoa Ngoại lồng ngực tiếp tục phẫu thuật tạo hình thực quản lần 2.
"Chúng tôi đã cắt một đoạn đại tràng ngang đưa lên lồng ngực thay thế cho đoạn thực quản teo. Ca phẫu thuật được tiến hành trong 8 giờ. Đây là kỹ thuật khó nhất ở trong phẫu thuật teo thực quản bẩm sinh" - Bác sĩ Khôi cho hay.
Sau hơn 3 tháng điều trị, hiện trẻ đã ổn định, không còn các triệu chứng trước khi phẫu thuật, trẻ có thể tự ăn, không ho, không sặc, không sốt, được xuất viện.
Theo các bác sĩ, teo thực quản là một dị tật nguy hiểm, dễ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, để bảo vệ tính mạng những trẻ bị teo thực quản, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải hiểu biết để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, đưa con đi khám và điều trị kịp thời. Việc phẫu thuật sớm sẽ tránh được một số biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Khối u sợi thần kinh khổng lồ khiến các hoạt động thường ngày của chàng thanh niên trẻ như đi lại, cúi hay nghiêng người, thậm chí là vệ sinh cá nhân trở nên vô cùng nặng...