Hiếm có bể bơi đạt chuẩn, hàng chục bệnh đe dọa người dân
"Nếu căn cứ vào đúng các tiêu chí đã quy định theo Thông tư 02 của Bộ VH-TT-DL thì hiếm có bể bơi đạt đầy đủ các tiêu chí, trừ một số bể bơi trong khách sạn 5 sao” - ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết.
Hàng chục bệnh đến từ bể bơi
Đến kỳ nghỉ hè, vì muốn cho con học bơi nên chị Trương Thị Khánh trú tại Hà Đông, Hà Nội đã mua vé bơi để hai mẹ con đi bơi.
Tuy nhiên sau khi đi bơi được 3 ngày, chị thấy đau tai bên phải. Lúc đầu, chị Khánh tưởng đó là do mụn trứng cá mọc ở trong tai nên cố chịu. Đau tai khiến việc ăn uống, nhai thức ăn cũng vất vả.
Đến ngày thứ 4, chị đi bơi về lấy tăm bông ngoáy tai thấy tai có dịch vàng mùi rất khó chịu. Chị Khánh đến bệnh viện kiểm tra tai bác sĩ cho biết chị bị viêm tai. Lúc này, chị Khánh kể gần đây chị có đi bơi, bác sĩ nghi ngờ nhiều khả năng do nước ở bể bơi không được sạch nên vi trùng, vi khuẩn vào tai gây viêm tai.
Cùng trường hợp với chị Khánh, bé Vũ Bích Uyên con chị Hoàng Thuý Hà trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng bị viêm kết mạc mắt do đi tắm ở bể bơi.
Chị Hà kể ba mẹ con chị thường đi bơi hàng ngày, chị và con gái lớn đeo kính bơi, riêng bé nhỏ 5 tuổi không đeo kính bơi. Đi bơi về thấy con cứ dụi mắt kêu ngứa ngáy, chị Hà lấy thuốc nhỏ không hết nên đưa con đi kiểm tra mắt, bác sĩ cho biết cháu bị viêm kết mạc mắt do vi khuẩn xâm nhập và thủ phạm chính là bể bơi.
Không chỉ nỗi lo viêm kết mạc mắt, bể bơi còn là nơi có hàng nghìn vi khuẩn trú ngụ. Một lần đến bơi ở bể bơi trong quận Cầu Giấy, anh Nguyễn Đăng Thái trú tại Đội Cấn, Hà Nội đã quyết định nói không với bể bơi.
Anh Thái kể “Tôi đeo kính bơi mở mắt ra xem thì cảnh tượng thật hãi hùng khi có rất nhiều lông, tóc lập lờ dưới mặt nước. Đờm, dãi cũng lững lờ trôi. Từ đó, tôi cạch bể bơi. Không chỉ thế, nhiều người bị các bệnh truyền nhiễm ngoài da cũng vào bể bơi tắm phát tán mầm bệnh nên tôi càng sợ”.
Ít bể bơi đạt chuẩn
Tiêu chuẩn nước bể bơi: Phải đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất. Đối với các bể bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm bù đủ nước. Nước bể bơi phải đáp ứng được chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt với các chỉ số cụ thể: độ trong phải nhìn thấy đáy bể bơi; hàm lượng chất vẩn đục ( không lớn hơn 2 mg/l cho bể bơi ngoài trời và không lớn hơn 1 mg/l cho bể trong nhà); độ PH nằm trong giới hạn 7,3 – 7,6; độ cứng ( 500 mg/l); Clorua không lớn hơn 0,5 mg/l; Amoniac không lớn hơn 0,5 mg/l… |
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đề, bể bơi công cộng thường chứa các vi sinh vật, cùng với với lượng dầu bài tiết trên cơ thể người đi bơi như mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, nước tiểu, nước bọt…
Các tạp chất này khi kết hợp với các chất khử trùng có thể tạo ra sự biến đổi về mặt hóa học và chuyển thành các chất độc hại đối với cơ thể.
Do vậy, nếu không được vệ sinh, khử trùng tốt, đây sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng sinh sôi nảy nở, gây bệnh. Thậm chí đây là môi trường nhiễm các bệnh ký sinh trùng như giun lươn, giun sán…
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thành, BV Da liễu Trung ương Hà Nội, vào hè một số bệnh ngoài da do nấm như hắc lào, nấm móng, nấm kẽ chân, nấm tóc… rất dễ lây nhiễm ở các bể bơi, bởi các vi khuẩn trong nước dễ xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở dù nhỏ ở trên da và gây bệnh.
Không chỉ vậy, trong nước bể bơi luôn có một số hóa chất như Clo dùng để diệt khuẩn còn có thể gây dị ứng, viêm da, sạm da đối với những người nhạy cảm, nhất là với trẻ nhỏ.
Thông tư 02 quy định Tiêu chuẩn nước bể bơi: Phải đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất. Đối với các bể bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm bù đủ nước.
Nước bể bơi phải đáp ứng được chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt với các chỉ số cụ thể: độ trong phải nhìn thấy đáy bể bơi; hàm lượng chất vẩn đục ( không lớn hơn 2 mg/l cho bể bơi ngoài trời và không lớn hơn 1 mg/l cho bể trong nhà); độ PH nằm trong giới hạn 7,3 – 7,6; độ cứng ( 500 mg/l); Clorua không lớn hơn 0,5 mg/l; Amoniac không lớn hơn 0,5 mg/l…
Tuy nhiên, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (đơn vị được giao trách nhiệm thanh kiểm tra, quản lý chất lượng các bể bơi, khu vui chơi dưới nước trên địa bàn HN) cho hay: “Theo thống kê có khoảng 170 bể bơi hoạt động, nằm rải rác các quận huyện nhưng chủ yếu tập trung ở các quận nội thành và ở hai huyện ngoại thành Sơn Tây và Ba Vì. Nếu căn cứ vào đúng các tiêu chí đã quy định theo Thông tư của Bộ VH-DL thì hiếm có bể đạt đầy đủ các tiêu chí đó, trừ một số bể bơi trong khách sạn 5 sao”.
Nhưng ông Tuấn cho biết thêm về cơ bản chất lượng nước các bể bơi đã tốt hơn những năm trước, nhất là với các bể trong khu vực nội thành. Hiện chỉ còn một số bể bơi tư nhân khu vực Gia Lâm, Chương Mỹ và một số bể du lịch ở Ba Vì chưa đảm bảo một số tiêu chí như nguồn nước vì phần lớn dùng nước giếng khoan, lọc chưa tốt.
Hiện nay, việc giám sát, lấy mẫu nước kiểm nghiệm chỉ được tiến hành 1 lần/năm do kinh phí đầu tư xét nghiệm mẫu nước có hạn. Trên thực tế, Trung tâm cũng chỉ có thể kiểm tra một số các bể bơi, còn lại giao cho các quận huyện kiểm tra, giám sát.