Hệ lụy khủng khiếp khi mắc bệnh tiểu đường lúc còn trẻ
Chế độ ăn uống, lối sống sai lầm chính là nguyên nhân kích hoạt bệnh tiểu đường tuyp 2. Theo chuyên gia, nếu không thay đổi lối sống thì số người bị tiểu đường sẽ trẻ hóa và tăng lên theo cấp số nhân.
Hạn chế béo phì, dư năng lượng bởi nếu không, gen tiểu đường sẽ bị kích hoạt gây ra đái tháo đường tuyp 2.
Gia tăng bệnh đái tháo đường
Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Nguyên bác sĩ Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai – Giám đốc phòng khám Nội tiết 133 Thái Hà, cho biết, nếu 30 năm trước bệnh nhân đái tháo đường rất ít thì đến nay bệnh nhân này gia tăng nhanh chóng.
Điều đặc biệt là số người phát hiện bệnh tiểu đường và được điều trị chỉ có 40%, còn 60% vẫn đang tiềm ẩn trong dân, chưa được phát hiện.Theo số liệu thống kê của Hội Đái tháo đường Châu Á, Thái Bình Dương, bệnh nhân bị đái tháo đường tăng 170%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, con số này còn tăng hơn rất nhiều, có thể lên đến 300%. Ngày trước, bệnh tiểu đường chỉ xuất hiện ở những người già thì đến nay bệnh đã trẻ hoá, xuống lứa tuổi 20 – 30. Việc trẻ hóa bệnh nhân bị tiểu đường gây ra nhiều biến chứng và hệ lụy nguy hiểm.
Với một thế hệ người trẻ mắc tiểu đường, xã hội không phải chỉ điều trị cho riêng tiểu đường mà còn kèm các bệnh khác như mỡ máu, huyết áp, các biến chứng mắt, biến chứng suy thận...
Một bệnh nhân tiểu đường phải tốn kém khoảng 5 đến 7 triệu đồng để điều trị bệnh. Dù được BHYT chi trả nhưng nếu bệnh nhân quá đông sẽ tốn kém khủng khiếp.
Chưa hết, những người bị tiểu đường có thể tăng nhồi máu cơ tim, đột quỵ từ 2- 4 lần; tuổi thọ giảm trung bình khoảng 10 năm.Thạc sĩ Cường cho biết, thông thường khi phát hiện ra bệnh tiểu đường có nghĩa là nó đã có trước đó 5 – 10 năm rồi. Nhưng trong thời gian đó, bệnh không hề có triệu chứng.
Ở phụ nữ, giai đoạn sớm có thể biểu hiện bất thường như mang thai to, đẻ con to; dễ viêm đường tiết niệu, viêm đường sinh dục vì đường máu cao. Một số người dễ viêm răng viêm lợi nhưng triệu chứng này không đặc hiệu, khá mờ nhạt có thể bị bỏ qua.Đến khi có các triệu chứng khát nước, phải uống nhiều, ăn nhiều vẫn gầy sút, có người sụt 5 -7 kg trong 1 tháng, là lúc bệnh đã nặng.
Chỉ cần làm việc đơn giản này để phòng bệnh tiểu đường
Làm thế nào để phát hiện mình có bị bệnh tiểu đường không? Rất đơn giản bạn chỉ cần định kỳ xét nghiệm đường máu. Nếu không có yếu tố nguy cơ tiểu đường thì tầm tuổi 40 – 45 phải chăm xét nghiệm đường máu. Chỉ cần 1 năm 1 lần cũng sẽ giúp chẩn đoán sớm tiểu đường.
Thử đường máu mỗi năm 1 lần để phát hiện sớm nhất bệnh tiểu đường
Hạn chế béo phì, dư năng lượng bởi nếu không, gen tiểu đường sẽ bị kích hoạt gây ra đái tháo đường tuyp 2. Chính vì thế, để phòng bệnh, cách đơn giản nhất, đó là luyện tập. Nếu chúng ta ăn nhiều cơm trắng nhưng chúng ta có thể vận động mỗi ngày 30 phút để tiêu hao hết năng lượng dư thừa sẽ không lo bị tiểu đường gõ cửa.
Ăn nhiều + lười vận động chính là điều kiện để mở cửa đón bệnh tiểu đường. Mỗi người có thể tự kiểm tra cân nặng của mình cũng là cách phòng bệnh sớm nhất. Khi đường huyết cao cần thường xuyên kiểm tra, nhất là phụ nữ có tiền sử sinh con to.
Những người có bố hoặc mẹ bị tiểu đường thì nguy cơ di truyền rất cao, cần phải phòng bệnh bằng cách ăn uống hợp lý.