Hậu COVID-19, người phụ nữ 30 tuổi chưa đi nổi 10 bước oxy đã giảm 10%
6 tuần sau khi xuất viện, bệnh nhân mệt và suy nhược, chỉ cần đi chưa đến 10 bước là nồng độ oxy trong máu SpO2 từ bình thường tụt đến dưới 90%, mức có thể gây suy hô hấp.
Chiều 12-1, tại hội nghị triển khai hoạt động trọng tâm ngành y tế TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Anh Dũng đã trình bày thách thức trong chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19.
Theo TS Nguyễn Anh Dũng, nhiều bệnh nhân sau khi mắc COVID-1 xuất hiện nhiều triệu chứng. Cụ thể, theo thống kê ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, từ 1-12-2021 đến 10-1-2022, có 1.021 bệnh nhân đến khám do có các triệu chứng sau khi mắc COVID-19. Trong đó, 510 người gặp vấn đề hô hấp, 182 người có vấn đề thần kinh, 182 người có vấn đề tim mạch, 134 người có vấn đề nội tiết, 80 người gặp vấn đề về tiêu hóa và 66 người có vấn đề về cơ xương khớp.
Hình ảnh chụp CT lồng ngực và phổi của hai bệnh nhân.
TS Nguyễn Anh Dũng dẫn chứng hai trường hợp có tổn thương vĩnh viễn phổi sau khi mắc COVID-19 và sức khỏe giảm sút. Trong đó, bệnh nhân nữ chỉ mới 30 tuổi, quá trình điều trị được can thiệp thở oxy liều cao (HFNC). Tuy nhiên, 6 tuần sau khi xuất viện, kết quả chụp CT lồng ngực phân giải cao của bệnh nhân vẫn ghi nhận những tổn thương dạng kính mờ rải rác chiếm 50% hai phế trường. Bệnh nhân còn mệt và suy nhược, chỉ cần đi chưa đến 10 bước là nồng độ oxy trong máu SpO2 từ bình thường tụt đến dưới 90% (từ 96 % tụt xuống còn 83 - 84%), mức có thể gây suy hô hấp.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam 48 tuổi nhập viện vì viêm phổi COVID-19. 8 tuần sau xuất viện, bệnh nhân vẫn khó thở dai dẳng và mệt mỏi. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân có tổn thương đông đặc ở phổi có thể được điều trị kịp thời và giãn phế quản co kéo dù có điều trị và phục hồi chức năng cũng khó phục hồi lại bình thường.
TS Nguyễn Anh Dũng cho rằng Việt Nam chưa có ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình hậu COVID-19 trên cộng đồng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 rất đáng quan tâm. Theo số liệu Bộ Y tế tính đến ngày 11-1-2022, Việt Nam có gần 2 triệu ca mắc (tương đương với 2% dân số Việt Nam). Riêng TP.HCM hiện có gần 500 ngàn ca mắc COVID-19 (chiếm khoảng 5% dân số của thành phố), trong đó có hơn 300 ngàn người đã xuất viện.
Trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới đã có nhận định về các vấn đề sức khỏe hậu COVID19 từ tháng 9-2020 nhưng đến tháng 10-2021 thì mới hoàn thiện các định nghĩa về Hội chứng hậu COVID-19
Các nghiên cứu cho thấy 33% đến 76% bệnh nhân có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính bệnh, 20% phải tái nhập viện, 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
Theo các bằng chứng hiện tại, hội chứng hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân bị bệnh nặng cần nhập viện hoặc lớn tuổi có bệnh đồng mắc, mà còn gặp ở những người trẻ tuổi và khỏe mạnh và mắc bệnh nhẹ. Một số quốc gia đã biên soạn hướng dẫn, lập phòng khám và mạng lưới hỗ trợ bệnh nhân bị ảnh hưởng, truyền thông nâng cao hiểu biết, xác định nhu cầu đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội.
Hội chứng hậu COVID-19 rất đa dạng và tác động lên nhiều cơ quan như hệ thần kinh (sương mù não – thường gặp nhất, mất mùi vị kéo dài, bệnh não và đột quỵ); phổi (khó thở và ho – thường gặp nhất, đau ngực, bệnh phổi kẽ); da (ban đỏ, mày đay – thường gặp nhất, ngón chân COVID); tâm thần (trầm cảm, stress sau chấn thương – thường gặp nhất, lo âu, cô lập xã hội); tim mạch (hồi hộp – thường gặp nhất, viêm cơ tim và màng ngoài tim, suy tim); tổng quát (mệt và đau cơ – thường gặp nhất, đau khớp, bệnh thần kinh ngoại biên, thiếu máu ngoại biên chi). Do đó, người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn khi quay trở lại công việc, ảnh hưởng tài chính, tinh thần, bị phân biệt đối xử…
Khi khỏi bệnh COVID-19, người bệnh có nguy cơ gặp phải những di chứng rất nặng nề, cần sự can thiệp của các chuyên gia...
Nguồn: [Link nguồn]