Hành trình cứu sống bé sinh non 0,5kg của cặp vợ chồng hiếm muộn
Em bé chào đời chỉ nặng 500g, thở thoi thóp, nhịp tim rời rạc và phản xạ yếu, hệ thống hô hấp yếu ớt.
Ngày 7/6, BV Phụ sản TƯ họp báo công bố thành công ca cứu sống bé sinh non nặng 500g thành công của sản phụ chị V.T.D. (ở Cầu Giấy, Hà Nội) mang thai tuần thứ 26.
Em bé chào đời chỉ nặng 500g đã được các bác sĩ cứu sống.
Gia đình chị D. cho biết, sau nhiều năm điều trị hiếm muộn, vợ chồng chị D. rất khó khăn mới có con.
Khi biết chị D. mang thai, gia đình vui lắm. Thế nhưng, ngày 26/1/2018, khi thai nhi ở tuần 26, chị D. có dấu hiệu chuyển dạ và sinh non. Em bé chào đời chỉ nặng 500g trong tình trạng hệ hô hấp còn yếu ớt và chưa hoàn thiện. Ngoài ra, bé còn có hiện tượng thở thoi thóp, nhịp tim rời rạc và phản xạ yếu.
Lúc đó, vợ chồng chị D xác định con chị sẽ phải chiến đấu với tử thần. Tuy nhiên, với nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ trung tâm, điều kỳ diệu đã đến.
Ngay sau khi sinh, cháu bé đã được các bác sĩ tại trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh điều trị, theo dõi, chăm sóc. Đến nay, cân nặng của bé đã đạt 2.650g, bú tốt, vận động tốt. Ngày 6/7, bé đã được xuất viện.
Vợ chồng chị D. rất hạnh phúc khi đứa con hiếm muộn sinh non (500 gam) được các bác sĩ cứu sống.
Theo PGS. Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản TƯ, mỗi năm, trung tâm tiếp nhận và điều trị từ 25.000 đến 26.000 ca sơ sinh trong đó, trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non tháng khoảng 4.000. Trong số đó, 30% là có cân nặng dưới 1.500g, tuổi thai dưới 30 tuần.
Trước đó, năm 2010, BV đã nuôi sống trẻ sơ sinh có cân nặng thấp nhất Việt Nam là 500g. Hiện bé đã lớn và đi học bình thường.
PGS. Vũ Bá Quyết cho biết, các kỹ thuật, biện pháp ứng dụng trong điều trị và chăm sóc để hạn chế nguy cơ cho trẻ sinh cực non tại trung tâm. Đó là hồi sức ngay tại phòng đẻ, chống suy hô hấp; thở máu, thở CPAP, oxy, chống tắc nghẽn đường thở; nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, chiếu đèn điều trị vàng da.
Theo các bác sĩ, đặc thù nuôi sống và chăm sóc trẻ non tháng, thiếu cân quá trình vô cùng gian nan. Vây quanh mỗi lồng ấp của trẻ đi kèm nhiều loại máy hỗ trợ: máy thở, máy lọc máu, máy điện tim, dây chuyền ăn xông...; Chưa kể mỗi trẻ có một diễn tiến bệnh hoàn toàn khác nhau.
Đơn cử việc cho trẻ non cân thích nghi phản xạ bú mớm cũng là cả sự kỳ công luyện tập. Để tập cho trẻ ăn bằng miệng, sau khi rút xông, các cô y tá nhỏ từng giọt sữa hoặc bón thìa cho trẻ với 1ml/bữa, 4 bữa/ngày. Tuy nhiên, có nhiều trẻ do không tiếp nhận được thức ăn nên trào ngược theo đờm dãi hoặc bụng trướng to, trẻ quay lại chu trình ăn qua xông. Cứ như thế, phải làm đi làm lại nhiều lần đến khi trẻ tiếp nhận được thức ăn. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng quyết định trẻ có thể khả năng sinh tồn.
Trầm cảm ở cả cha lẫn mẹ làm tăng nguy cơ sinh non, theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tập san quốc tế Sản...