Hàng triệu người Việt bị bệnh trĩ hành hạ, bệnh này có gây ung thư?
Giám đốc TT Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, rất nhiều người băn khoăn cần lời giải đáp: Liệu bệnh trĩ có thể phát triển thành ung thư không?
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc TT Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh trĩ là một trong những bệnh phổ biến ở vùng hậu môn. Có đến hơn một nửa dân số mắc bệnh trĩ, thường bắt đầu sau tuổi 30.
Tuy đây, là căn bệnh thường gặp nhưng vẫn có nhiều người chưa hiểu hết về bệnh lý này.
Dấu hiệu nhận biết các loại trĩ
Trĩ thường được miêu tả là những đám rối tĩnh mạch của hậu môn trực tràng giãn ra, những búi trĩ này sẽ to dần lên do máu tĩnh mạch bị ứ đọng hoặc do sự lỏng lẻo của hệ thống nâng đỡ búi trĩ ở ống hậu môn. Tuỳ thuộc vào vị trí của búi trĩ người ta chia làm 2 loại: trĩ ngoại và trĩ nội.
Có đến hơn một nửa dân số mắc bệnh trĩ, thường bắt đầu sau tuổi 30.
Trĩ ngoại: Nằm bên ngoài hậu môn, phát triển ngay gần rìa hậu môn và được phủ bởi lớp da rất nhạy cảm của vùng rìa hậu môn. Nếu hình thành cục máu đông (trĩ tắc mạch) nó sẽ rất đau và tạo thành khối cứng chắc. Trĩ ngoại cũng có thể chảy máu nếu nó bị vỡ ra.
Trĩ nội: Nằm phía trong hậu môn, thường không đau; Chảy máu, thòi trĩ ra ngoài khi đại tiện là những triệu chứng thường xuất hiện. Tuy nhiên nó có thể rất đau nếu búi trĩ nội bị sa ra ngoài hoàn toàn, từ phía trong hậu môn thòi ra ngoài lỗ hậu môn và không thể ấn lại được vào trong. Trĩ nội được chia làm 4 độ. Độ I: trĩ không sa ra ngoài; Độ II: trĩ sa ra ngoài và tự tụt vào trong hậu môn sau khi đại tiện; Độ III: trĩ sa ra ngoài và phải dùng tay để đẩy vào lại vào trong; Độ IV: trĩ sa ra ngoài và không thể đẩy lại vào trong.
Hay gặp ở người sau 30 tuổi
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng cho biết, nguyên nhân chính xác gây nên bệnh trĩ hiện nay chưa được xác định rõ. Tuy vậy, các yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh lý này thường gặp là: Bắt đầu ở những người sau tuổi 30, người bị táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy, phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Yếu tố di truyền cũng là một nguy cơ dẫn đến bệnh trĩ. Ngoài ra đại tiện khó khăn, phải rặn nhiều, chức năng đường ruột kém, thường xuyên phải dùng thuốc nhuận tràng, thụt hậu môn là những nguy cơ khiến người bệnh mắc bệnh trĩ.
Nếu bạn thấy xuất hiện những dấu hiệu sau, bạn có thể đang bị trĩ: Chảy máu khi đại tiện, xuất hiện các khối thòi ra ngoài khi đại tiện, ngứa vùng hậu môn, đau, xuất hiện những khối cứng nhỏ ở rìa hậu môn.
Bệnh trĩ không được điều trị lâu ngày sẽ làm cho toàn thân thiếu máu mạn tính, sút cân, giảm thể lực.. tắc mạch, chảy máu, hoại tử trĩ…
Trả lời câu hỏi nhiều người băn khoăn chưa có lời giải đáp bệnh trĩ có thể phát triển thành ung thư không?, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng khẳng định, KHÔNG.
Không có mối liên quan nào giữa bệnh trĩ và ung thư. Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh trĩ, đặc biệt là đại tiện máu là dấu hiệu giống với người bệnh ung thư đại trực tràng và 1 số bệnh đường tiêu hoá khác. Vì vậy khi xuất hiện dấu hiện này người bệnh cần được khám ở phòng khám bởi những bác sỹ chuyên khoa sâu về hậu môn đại trực tràng. Bên cạnh đó, những bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên nên được tầm soát ung thư đại trực tràng”, PGS.Hùng khuyến cáo.
Ngày nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ hiệu quả và ít đau, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu bệnh nhẹ có thể chữa khỏi chỉ bằng cách điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất xơ như rau, củ, quả và uống nhiều nước (2-3 lít/ ngày), loại bỏ các yếu tố gây tăng áp lực trong trực tràng (không rặn mạnh, không ngồi toilet lâu...).
Bên cạnh đó, người bệnh dùng những thuốc gây co mạch, giảm nề, giảm đau…ngồi ngâm hậu môn vào chậu nước ấm khoảng 10 phút có thể giảm đau, sưng nề và giảm hiện tượng thòi búi trĩ ra ngoài.
Với những phương pháp trên, thì hầu hết các triệu chứng của bệnh trĩ như đau phù nề sẽ giảm trong vòng 2 đến 7 ngày.
Những khối trĩ ngoại tắc mạch có thể hết trong vòng 4 đến 6 tuần. Trong trường hợp khối trĩ tắc mạch đau nhiều liên tục, bác sỹ sẽ phải trích rạch lấy bỏ khối máu cục trong búi trĩ. Thủ thuật này thường được thực hiện tại phòng khám và được gây tê tại chỗ, và bệnh nhân thường sẽ dễ chịu, đỡ đau hơn rất nhiều.
Khi bệnh đã diễn biến phức tạp, người bệnh sẽ được điều trị bệnh trĩ bằng các thủ thuật hoặc phẫu thuật như: Thắt trĩ bằng vòng cao su; tiêm xơ búi trĩ, phẫu thuật triệt mạch, treo trĩ....
Nếu bạn đang phải “sống chung với trĩ“ hãy thử áp dụng ngay 11 bí quyết sau để thoát khỏi cơn khó chịu và đau nhức.