Hàng nghìn phụ nữ Việt mất mạng vì ung thư cổ tử cung, phát hiện bệnh bằng phương pháp nào?
Theo Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu Globocan 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung, nghĩa là mỗi ngày có 6,5 phụ nữ ra đi vì căn bệnh phổ biến này.
Tại Hội nghị Sản phụ khoa - Hỗ trợ sinh sản nhân dịp kỷ niệm 50 năm tái thành lập khoa Phụ sản Bệnh viện Bạch Mai ngày 29/11, PGS.TS Lưu Thị Hồng, Giảng viên Đại học Y Hà Nội cho hay một nghiên cứu khác ở TP HCM còn cho kết quả cao hơn, cứ 2,4 giờ, lại có 1 phụ nữ Việt tử vong vì ung thư cổ tử cung (10 ca/ngày).
Ung thư cổ tử cung xếp hàng thứ 2 về số ca mắc mới, cũng như nguyên nhân tử vong trong các loại ung thư ở nữ giới.
"Nhiều phụ nữ được cứu sống từ các biến chứng liên quan đến sinh đẻ, nhưng sau đó có thể mắc và tử vong vì các bệnh ung thư phụ khoa khác, bao gồm cả ung thư cổ tử cung" - TS Lưu Thị Hồng nói.
HPV - thủ phạm chính gây ra ung thư cổ tử cung
Virus HPV (virus gây u nhú ở người) là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%). Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Chủng HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất, chúng được tìm thấy ở 70% trong tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung.
"Tất cả mọi phụ nữ đang có sinh hoạt tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao gây ung thư" - PGS.TS Lưu Thị Hồng khẳng định trong báo cáo của mình.
Theo TS Lưu Thị Hồng, HPV xâm nhập lây truyền qua đường tình dục và ngoài đường tình dục. Trong đó, viurs này chỉ cần tiếp xúc tình dục (qua sinh dục - sinh dục; tay - sinh dục; miệng - sinh dục) cũng có thể lây. Ngoài ra, những đồ dùng như đồ lót, găng phẫu thuật... cũng là những vật lây truyền. Mẹ cũng có thể lây virus HPV cho con lúc sinh nở.
Ảnh: Chụp từ báo cáo tại Hội nghị Sản phụ khoa - Hỗ trợ sinh sản nhân dịp kỷ niệm 50 năm tái thành lập khoa Phụ sản Bệnh viện Bạch Mai ngày 29/11
"Những người có quan hệ tình dục, sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hết sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, quan hệ tình dục với nhiều người cũng khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác" - TS Hồng cho hay.
Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (từ 3 lần trở lên) thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai lần so với những phụ nữ sinh 1 – 2 con.
Những nguyên nhân khác như suy giảm miễn nhiễm, yếu tố nội tiết, nghiện thuốc lá... cũng làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Tầm soát ung thư cổ tử cung thực hiện ra sao?
Để dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung, ngoài những biện pháp truyền thông giáo dục sức khoẻ, các chuyên gia cho rằng cần dự phòng 3 cấp, trong đó, điều đầu tiên là quan hệ tình dục an toàn, tiêm vaccine phòng HPV, sàng lọc và điều trị các tổn thương tiền ung thư; cuối cùng là phát hiện và điều trị ung thư giai đoạn sớm.
Xét nghiệm HPV rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Việc tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ thực hiện với các bước:
- Khám phụ khoa
- Soi cổ tử cung có thể kèm theo chấm acid acetic hoặc dung dịch Lugol: Phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung
- Thực hiện xét nghiệm PAP: là một xét nghiệm rất đơn giản, được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi các tế bào bất thường ở cổ tử cung.
- Xét nghiệm HPV: rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.
- Sinh thiết cổ tử cung: khi phát hiện dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm PAp smear có tế bào bất thường.
- Các xét nghiệm khác: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu…
- Đọc kết quả và tư vấn (hoặc chỉ định khác nếu có).
Chị em cần lưu ý khi thăm khám, làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung trong lúc không có kinh nguyệt. Đặc biệt không bôi kem hay đặt thuốc vào âm đạo và không nên sinh hoạt tình dục trong vòng 48 giờ trước khi xét nghiệm PAP.
Quan hệ tình dục từ rất sớm, cô gái trẻ không biết rằng đây chính là nguyên nhân khiến mình bị ung thư cổ tử cung từ...
Nguồn: [Link nguồn]