Hàng loạt trẻ nhập viện vì chó cắn
Ngày 12/8, BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trung bình mỗi năm tại đây tiếp nhận khoảng 30 ca bị chó cắn. Chỉ riêng trong tháng qua đã có bốn ca bị chó cắn, ba ca đã lành lặn.
Vết do chó cắn cắn đa dạng, phứt tạp và để lại di chứng nặng nề mà chủ yếu là trên mặt của trẻ.
Cắn mất cả một bên mặt
Mới nhất là chiều 11/8, BV tiếp nhận bệnh nhi TLTT (13 tháng tuổi, Dĩ An, Bình Dương), được gia đình đưa đến BV Nhi đồng 1 trong tình trạng bị con chó berge nhà cắn rách dài 3 cm từ mang tai kéo dài qua má bên phải sâu, lộ tuyến mang tai phải và còn nhiều vết cào xước. Cha mẹ bệnh nhi cho biết trong lúc con chó nhà nuôi đang ngủ, bé lấy cây chọc phá làm nó “bực mình” chồm lên tấn công. Sau khi kiểm tra đánh giá mức độ sâu của vết thương, các BS rửa sạch, sát trùng và cắt lọc vết thương. Sau đó, bác sĩ đã may và may thẩm mỹ, băng bó cho cháu bé đồng thời, cho kháng sinh, an thần, giảm đau và cho ra về. Sáng nay bé trở lại tái khám, vết thương đã lành và khô. “Trong khi các BS chăm sóc cho cháu bé thì thì gia đình bé bên ngoài khóc thút thít vì lo. Chúng tôi vừa chăm sóc bệnh nhi lại còn phải cử người ra tư vấn cho gia đình”, BS Đẩu kể.
Cách đây không lâu, khoa Răng Hàm Mặt, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận nữ bệnh nhi bảy tuổi (huyện Hóc Môn TP.HCM) bị chó nhà nuôi cắn rớt một bên má. Khi vết thương lành đã làm cho đôi mắt bị giựt xuống do sẹo co rút nên phải làm thẩm mỹ cho bé. Tương tự, một bé gái 9 tuổi, nhà ở Bình Phước đi chơi sang nhà hàng xóm và bị chó becgie cắn rớt môi dưới. Chủ nuôi chó lấy lại được môi, gia đình ướp lạnh và chuyển lên BV Nhi đồng . Rất may các BS đã nối lại thành công môi cho bé.
“Trẻ chủ yếu bị chó cắn ở mặt do chiều cao của trẻ phù hợp với chiều cao mà con chó giơ hai chân trước lên bám vào và cắn vào mặt”, BS Đẩu cho biết.
Di chứng nặng nề
Theo BS Đẩu, có hai nhóm chó thường cắn trẻ em là chó nuôi tại nhà và chó hàng xóm. Trẻ từ ba tuổi trở xuống thì thường bị chó nhà cắn, còn trẻ trên ba tuổi thì đi chơi bị chó hàng xóm cắn (do la cà đi chơi). Thời điểm trẻ bị chó cắn thường diễn ra vào cuối ngày trẻ từ trường về nhà hoặc vào cuối tuần khi trẻ ở nhà.
“Nhiều cha mẹ khi thấy con bị chó cắn thì rất hoang mang. Phụ huynh không nên hốt hoảng, cần rửa vết thương do chó cắn bằng xà phòng. Sau đó chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất làm sạch vết thương, dùng kháng dinh phổ rộng, an thần, giảm đau và sau đó chuyển lên BV chuyên khoa”, BS Đẩu khuyến cáo.
Đối với vết thương nông, đơn giản, trẻ hợp tác thì BS chỉ cần gây tê xong và xử lý. Còn trẻ bị vết thương lớn, không hợp tác thì sẽ đưa vào phòng mổ gây mê, xử lý. BS Đẩu đặc biệt là chú ý đến vấn đề thẩm mỹ trên mặt trẻ, bởi có nhiều trẻ được may với chỉ lớn, may không đẹp khiến mặt bị xấu. Bước tiếp theo là tiêm ngừa dại và tiêm ngừa uốn ván.
Ảnh: Tùng Sơn
Về di chứng để lại sau khi bị chó cắn là sự biến dạng mặt do sẹo co rút mắt, môi. Việc xóa sẹo lớn trên má là không đơn giản. Nếu trẻ bị mất một miếng thịt ngay má, đường kính nhỏ thì sẽ dùng kỹ thuật trượt da (tách da xung quanh ra khỏi mô và kéo lại phủ kín vết thương, may lại). Nếu vết thương da lớn thì xoay từ phần da lành thế vào hoặc dùng kỹ thuật vạt da có cuống (mạch máu) hay vi phẫu.
“Nhà có trẻ, phụ huynh nên hạn chế nuôi chó, nếu có nuôi thì tiêm ngừa cho chó, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó khi nó đang ngủ, ăn và đặc biệt là chó đang nuôi con. Nên nhốt chó vào lồng. Nếu cho chó ra đường thì nên bịt mõm nó lại. Chó ta hiền nhưng chó Phú Quốc, becgie cắn rất sâu và tàn bạo”, BS Đẩu nói.
Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm TP có trên 16.400 người bị chó cắn, trong đó có hơn 3.600 trẻ em. Trước tình hình số người bị động vật nghi dại cắn có chiều hướng gia tăng, Trung tâm y tế dự phòng khuyến cáo: Người dân hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng định kỳ theo hướng dẫn của thú y. Phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt khi chúng đang ăn. Khi bị chó mèo cắn phải rửa sạch vết thương bằng xà phòng sau đó đến cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Khi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo. Vaccine phòng bệnh dại hiện đang được sử dụng rộng rãi có ba loại: Vx Verorab (Pháp), Vx Abhayrab, Rabipup (Ấn Độ). Lịch tiêm như sau: Phác đồ tiêm bắp năm mũi, liều 0,5 ml cho mỗi lần tiêm vào các ngày: 0, 3, 5, 7, 14, 28 sau khi bị chó cắn. Phác đồ tiêm trong da bốn mũi, liều tiêm 0,1 ml x 2 cho mỗi lần tiêm vào các ngày: 0, 3, 7, 28. Vacine phòng dại Verorab là loại vaccine an toàn, ít có phản ứng toàn thân, không gây ra các bệnh về não, tủy, thời gian bảo vệ được một năm. Vaccine này được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên dùng để tiêm cho những người bị súc vật nghi dại cắn và những người có nguy cơ mắc bệnh dại cao như: Cán bộ thú y, kiểm lâm, người làm thịt chế biến thực phẩm từ chó, mèo, động vật hoang dã... Trong thời gian tiêm vaccine dại không được làm quá sức, tuyệt đối không uống rượu và các chất kích thích, không được dùng các loại thuốc làm giảm miễn dịch như nhóm corticoide, ACTH trong vòng sáu tháng. |