Hai vợ chồng cùng mắc ung thư, bác sĩ cảnh báo thói quen hay gặp khi uống canh

Sự kiện: Ung thư thực quản
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

TRUNG QUỐC - Vợ chồng bà Lâm cùng bị ung thư thực quản. Bác sĩ phát hiện cả hai người đều có thói quen không tốt cho sức khỏe.

Bà Lâm đến Bệnh viện Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) kiểm tra vì khàn giọng kéo dài và nhận chẩn đoán mắc ung thư thực quản giai đoạn cuối. Chồng bà là ông La cũng chia sẻ rằng ông thường xuyên bị nghẹn khi ăn. Sau khi thăm khám, ông được chẩn đoán mắc cùng loại ung thư với vợ.

Khi hỏi han thông tin, các bác sĩ phát hiện cặp vợ chồng này chung một thói quen ăn uống: Thường xuyên dùng canh nóng trong hầu hết các bữa. Ngoài ra, bà Lâm còn hay uống trà nóng.

Theo China Times, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, niêm mạc thực quản chỉ có thể chịu được nhiệt độ từ 40 đến 60 độ C. Việc liên tục tiêu thụ đồ ăn, thức uống quá nóng sẽ khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương: Từ phù nề, thay đổi cấu trúc mô cho đến tăng sinh bất thường - tất cả đều là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư.

Sử dụng nước dùng quá nóng không tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh minh họa: Ban Mai

Sử dụng nước dùng quá nóng không tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh minh họa: Ban Mai

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại thực phẩm được làm nóng trên 65 độ C là tác nhân tiềm ẩn gây ung thư thực quản. Tiến sĩ, bác sĩ  Lý Tư Cẩm cho biết, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, sử dụng thường xuyên các loại đồ uống trên 65 độ C có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư thực quản so với dùng thực phẩm ở nhiệt độ thông thường.

Bên cạnh đó, các món ăn phổ biến như trà vừa pha có thể đạt đến 80-90 độ C, trong khi cháo, lẩu, canh thường ở mức 70-80°C, đều vượt ngưỡng an toàn đối với thực quản.

“Cảm giác bỏng miệng xuất hiện khi thức ăn đạt khoảng 60 độ C. Nếu bạn nuốt vội ở nhiệt độ này, niêm mạc thực quản sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Không ai đến nhà hàng yêu cầu đo nhiệt độ món ăn nhưng bạn nếu cảm thấy món ăn quá nóng khi đưa vào miệng, hãy chờ nguội bớt trước khi nuốt”, bác sĩ Lý khuyên. 

Ung thư thực quản là gì? 

Đây là một căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến thực quản - ống dẫn thức ăn nối từ cổ họng đến dạ dày. Tỷ lệ sống sót phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như giai đoạn phát hiện bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và khả năng đáp ứng điều trị.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư thực quản khoảng 20%. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, cơ hội sống sót sẽ cao hơn nhiều. Gần 65% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn đầu có thể sống trên 5 năm.

Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và trong một số trường hợp có thể sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Việc phát hiện sớm bệnh là yếu tố then chốt giúp cải thiện tỷ lệ sống sót. Ở giai đoạn đầu, ung thư thực quản thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, người mắc có thể gặp các triệu chứng như khó nuốt, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc đau tức ngực. Nhận biết được những dấu hiệu này và đi khám kịp thời sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và nâng cao hiệu quả điều trị.

Người vợ đi khám bệnh và phát hiện bị ung thư trực tràng. 1 năm sau đó, người chồng cũng bị đúng căn bệnh quái ác này. Khi bác sĩ tiết lộ về nguyên nhân gây ra ung thư trực tràng, nhiều người bất ngờ vì thói quen ai cũng mắc phải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Yên ([Tên nguồn])
Ung thư thực quản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN