Hà Nội vẫn có gần 2.000 ca sốt xuất huyết trong 1 tuần, nguy cơ diễn biến nặng ở mọi đối tượng
Nguy cơ diễn biến nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau.
Ảnh minh họa: Internet
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (24/11-1/12), toàn thành phố ghi nhận 1.715 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, giảm 552 ca so với tuần trước đó.
Hà Nội cũng ghi nhận 33 ổ dịch tại 13 quận, huyện, thị xã; giảm 16 ổ dịch so với tuần trước.
Các ổ dịch ghi nhận gồm: Đống Đa (6 ổ dịch); Hoàng Mai, Hà Đông ( mỗi nơi 4 ổ dịch); Thanh Oai, Ba Đình, Hai Bà Trưng (mỗi nơi 3 ổ dịch); Sơn Tây, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm ( mỗi nơi 2 ổ dịch); Thường Tín, Thanh Trì, Ba Vì, Sóc Sơn (mỗi nơi một ổ dịch).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP Hà Nội đã ghi nhận 37.441 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 4 ca tử vong. Số ca mắc tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hà Nội ghi nhận 1.923 ổ dịch, hiện còn 88 ổ dịch đang hoạt động tại 19 quận, huyện, thị xã.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội khuyến cáo, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm trong 3-4 tuần gần đây, nhưng vẫn đang ở mức cao, yêu cầu người dân không được chủ quan.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, sốt xuất huyết là một bệnh cấp tính nên diễn biến nặng rất nhanh chóng.
Do vậy, bệnh nhân khi đến bệnh viện, tình trạng bệnh phụ thuộc lớn vào việc xử lý ban đầu có kịp thời hay không. Với những bệnh nhân được xử lý ban đầu tốt thì việc khắc phục các diễn biến nặng tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, nếu xử lý ban đầu không tốt, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng sốc rất sâu hoặc suy đa phủ tạng khiến việc điều trị cực kỳ khó khăn.
Theo BS. Cấp, nguy cơ diễn biến nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau.
Ở trẻ nhỏ thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn, ít có biến chứng chảy máu nghiêm trọng.
Ở người già và người có bệnh nền, biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn, nhất là ở người loét dạ dày tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch. Nếu như xuất huyết xảy ra trên những bệnh nhân này thì việc xử lý cực kỳ khó khăn.
Bệnh nhân sốt xuất huyết thường diễn biến nặng từ ngày thứ 4 trở đi, khi có hiện tượng thoát dịch ra lòng mạch. Rất nhiều trường hợp vào viện đã là ngày thứ 4, thứ 5, tức là bước vào giai đoạn nặng, họ không được kiểm soát tốt việc truyền dịch, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm để đánh giá xác định tình trạng bệnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, một người điều trị khỏi bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại vì có 4 túyp virus.