Hà Nội: Tù mù thông tin thì không chống được dịch
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, CDC Hà Nội vẫn sẽ thông tin về lịch trình các ca mắc COVID-19, chỉ không nêu tên cụ thể của họ, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.
Những ngày gần đây, nhiều thông tin trên mạng xã hội, báo chí cho rằng, việc đăng tải thông tin lịch trình của ca bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân, gây bàn tán, suy luận, kỳ thị không tốt.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong quanh vấn đề này, đại diện lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc, những người là bệnh nhân sẽ không nêu tên cụ thể, còn địa chỉ, lịch trình phải nói rõ, phải đăng.
“Nếu rõ ràng rồi thì cần gì phải đăng. Nếu bệnh không lây nhiễm thì cũng không ai đăng làm gì. Ví dụ bệnh nhân không nhớ ra, người tiếp xúc với bệnh nhân không nhớ ra, thì những thông tin đó giúp cho người ta nhớ, người ta biết để phòng tránh”, vị này nêu.
Vị này ví dụ: Ngay như hôm nay anh em mình gặp nhau. Em không biết anh là bệnh nhân, em không nhận ra em là F1, thì em vẫn đi lung tung. “Vì thế, việc đăng thông tin dĩ nhiên là phải công khai, ở đây là phục vụ cho mọi người biết, chứ không phải vì mục đích gì cả”, vị này phan tích.
Vị lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nêu, CDC cho rằng, cần thiết vẫn phải đăng lịch trình bệnh nhân, chỉ không nêu cụ thể tên tuổi của họ.
Liên quan đến việc một số ca bệnh không khai báo đầy đủ lịch trình, theo vị đại diện lãnh đạo CDC Hà Nội, cơ quan chức năng sẽ sử dụng công nghệ thông tin để truy vết, kiểm chứng lời khai. “Việc này do đơn vị của Bộ KH&CN làm, liên quan đến yếu tố chuyên môn sâu”, vị này nói.
Chốt lại, đại diện lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, việc của CDC là chống dịch, nên phải điều tra đến cùng F0 là ai. Nếu không biết F0 thì không thể phòng được dịch. Như ca bệnh ở 88 Láng Hạ, nếu không biết lây từ ai thì không thể xử lý dịch bệnh được, phải truy được nguồn gốc mới phòng chống dịch bệnh được.
“Ví dụ một ca F0 đến một quán ăn thì phải nêu rõ đến quán ăn này, địa chỉ ở đâu, thời gian nào. Nếu cứ tù mù thì không chống được dịch”, vị này khẳng định.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội mới đây, lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, trường hợp bệnh nhân N.Q.M (bệnh nhân 1694) có lịch sử di chuyển phức tạp, lời khai quanh co, gây khó khăn cho ngành y tế. “Đối với các trường hợp này chúng tôi đề nghị, các phường khi lấy lời khai có công an đi cùng”, đại diện UBND quận Nam Từ Liêm nói. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 5/2, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết trường hợp mắc COVID-19 ở 88 Láng Hạ không khai báo rõ thời gian tiếp xúc với F0 là bệnh nhân 1883, gây khó khăn cho việc truy vết, nên phải quyết định khoanh vùng cả tòa nhà 88 Láng Hạ để thực hiện xét nghiệm. Ông Hiền cũng đề xuất tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 quốc gia về việc có biện pháp xử lý các trường hợp khai báo không đầy đủ, gây khó khăn cho việc chống dịch. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng nhấn mạnh, việc khai báo không trung thực của một số trường hợp F0, F1 như 1883, 1956 khiến rất vất vả cho công tác truy vết. Như trường hợp 1956 có nhiều thông tin không chính xác. Ông Dũng đã phải trao đổi với tổ công nghệ thông tin để truy vết lại các thông tin này. Theo ông Dũng, nhiều người thiếu sự hợp tác với cơ quan chức năng, đặc biệt, có trường hợp còn tắt điện thoại. |
Nguồn: [Link nguồn]
Đây là khẳng định của Th.S BS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.