Hà Nội: Thêm 1 người tử vong vì tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Nam bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tử vong ngày 1/9, 57 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội do đến bệnh viện quá muộn.
Chiều 1/9/2020, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nam bệnh nhân đến khám và xét nghiệm được phát hiện sốt xuất huyết. Lúc đó men gan của bệnh nhân tăng cao, trên 4.000 và bắt đầu suy gan, suy thận, suy đa tạng. Lúc đầu bệnh nhân đến khoa Cấp cứu A9 được lọc máu và chuyển đến điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Sau nửa ngày. bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực để chạy EMO (tim phổi nhân tạo) và hồi sức, nhưng bệnh nhân đã tử vong.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân.
Trường hợp này là nam bệnh nhân, 57 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã bị sốt 5 ngày và tự mua thuốc về điều trị.
Đây là trường hợp thứ 2 ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết chỉ trong nửa tháng qua. Điều đáng nói là cả 2 bệnh nhân đều đến bệnh viện muộn với tình trạng bệnh nặng, suy đa tạng.
Trước đó, cách đây nửa tháng, khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận 1 bệnh nhân sốt xuất huyết là nam thanh niên 17 tuổi bị ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng gia đình đã cho con truyền dịch tại nhà, không đến bệnh viện điều trị vì sợ nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Khi đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được 2 lần hồi sức tim thành công và được áp dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong do suy đa tạng.
Các chuyên gia cảnh báo, nhiều người bị sốt xuất huyết mắc sai lầm khi đến bệnh viện muộn.
Do đó, chuyên gia gia khuyến cáo về triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...
Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong 3 ngày đầu tiên bệnh nhân sốt cao, đau đầu, đau mỏi người... giống như các sốt virus thông thường khác.