Hà Nội sẽ tăng tần suất xét nghiệm đối với F1 lên 6 lần
Chiều 24-5, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, phường xã để tiếp tục triển khai các biện pháp nhanh chóng khoanh vùng dập dịch.
Hà Nội có 4 chùm ca bệnh mới phát sinh
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến trưa ngày 24-5, cộng dồn từ ngày 29-4 đến nay ghi nhận 122 ca mắc tại 19 quận, huyện (Thanh Xuân 21, Thường Tín 19, Gia Lâm 13, Đông Anh 11, Hà Đông 8, Phúc Thọ 8, Hoàng Mai 7, Sóc Sơn 5, Bắc Từ Liêm 5, Hai Bà Trưng 5, Ba Đình 4, Đống Đa 4, Hoàn Kiếm 2, Thanh Oai 2, Long Biên 2, Nam Từ Liêm 2, Thanh Trì 2, Đan Phượng 1, Thạch Thất 1).
Trong đó, có 4 chùm ca bệnh mới phát sinh: Chùm ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây tại Công ty cổ phần tập đoàn T&T và Park 11 Times City: có 15 F0 tại các địa điểm (4 F0 tại Tòa Park 11 Times City - đã xác định được 66 F1 của các ca mắc này chuyển cách ly tập trung, trong đó 12 F1 đã chuyển thành F0).
10 F0 tại Công ty cổ phần tập đoàn T&T (số 2A Phạm Sư Mạnh, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm), trong đó 8 ca cùng phòng, 02 ca cùng tầng với một ca COVID-19 (tại Park 11 Times City). 1 F0 tại Tổng cục Thuế (số 123 phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng). Đây là trường hợp F1 của một ca bệnh (tại Park 11 Times City) chuyển thành F0.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp.
“Đây là chùm ca bệnh rất phức tạp, có nhiều ca mắc liên quan tới các địa điểm là Công ty cổ phần tập đoàn T&T và khu đô thị Times City có rất nhiều người làm việc, sinh sống. Việc quản lý các chung cư cao tầng, các tổ hợp văn phòng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ. Chùm ca bệnh này có thể có 2 đến 3 chu kỳ lây nhiễm và chưa xác định được nguồn lây nên thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới ngoài cộng đồng vì thời gian các ca bệnh ở ngoài cộng đồng dài, đã di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người”, ông Hạnh nhận định.
Liên quan đến chùm ca bệnh nhập cảnh người Ấn Độ tại Park 9 Times City, quận Hoàng Mai đã xác định 6 F1, tất cả đều âm tính.
Liên quan đến chùm ca bệnh tại Hải Dương: có 1 F0 tại huyện Gia Lâm. Đến nay xác định 7 F1 đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả: 6 người âm tính, 1 chưa có kết quả. Hiện đã phong tỏa tầng 11 tòa S202 chung cư Vinhome Ocean Park Gia Lâm.
Ca bệnh là nhân viên y tế tại Bệnh viện Bắc Thăng Long là bác sỹ tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 được xét nghiệm lần 1 âm tính vào ngày 20/5. Ngày 21/5 có rát họng và ho khan, cho cách ly phòng riêng lấy mẫu xét nghiệm lần 2 dương tính. Xác minh sơ bộ có 7 F1 là nhân viên y tế cùng kíp trực. Bệnh viện đã thực hiện cách ly lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn toàn bộ khu vực cách ly của nhân viên y tế.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh phát biểu tại cuộc họp
Về ổ dịch ở số 2 Phạm Sư Mạnh (quận Hoàn Kiếm) Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhận định ổ dịch hết sức phức tạp chưa xác định được thời gian lây, điểm lây. “Rất có thể ổ dịch lây từ chính Công ty cổ phần tập đoàn T&T chứ không phải ở gia đình cháu bé. Đêm qua thành phố đã chuyển danh sách 462 cán bộ nhân viên công ty này, yêu cầu các địa phương phải lấy mẫu, nhưng giờ mới có hơn 20 mẫu gửi lên CDC trong đó đã có thêm 2 ca dương tính. Trước 12h đêm nay các địa phương phải chuyển mẫu lên CDC. Đơn vị nào chậm trễ phải xử lý nghiêm”, Phó Chủ tịch UBND TP nói.
Tăng cường xét nghiệm các trường hợp F1
Trong tình hình hiện nay, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục thần tốc truy vết các trường hợp F1 và người liên quan, tận dụng thời gian vàng để khoanh vùng xử lý dịch kịp thời, hiệu quả; Siết chặt quản lý cơ sở cách ly tập trung, trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, trong các khu cụm công nghiệp.
Trừ lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch ở tuyến đầu phải thường trực 24/24/7, đối với các cơ quan đơn vị của TP tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành, cho nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà (chỉ đến cơ quan khi thực sự cần thiết).
Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đề nghị tiếp tục mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng/khu vực nguy cơ, trong đó tập trung xét nghiệm cho công nhân trong các khu/cụm công nghiệp; xét nghiệm sàng lọc cho những người làm việc trong các cơ quan chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng, chống dịch của thành phố.
Đề nghị Tập đoàn Vingroup chủ động xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ cư dân trong khu đô thị Times City; các doanh nghiệp chủ động xét nghiệm sàng lọc cho người lao động bằng test nhanh.
Thành phố cũng sẽ tăng tần suất xét nghiệm đối với các trường hợp F1 từ 4 lần theo quy định lên 6 lần (xét nghiệm vào các ngày: ngày thứ nhất, ngày thứ 4, ngày thứ 7, ngày thứ 14, ngày thứ 20 trong khu cách ly tập trung và lần thứ 6 sau khi kết thúc cách ly tập trung 1 tuần - ngày thứ 28)…
Cơ quan công sở của Hà Nội hạn chế họp trực tiếp, ưu tiên họp trực tuyến
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu tất cả cơ quan hành chính cách cấp trên địa bàn, các công ty tổ chức hội họp theo đúng quy định của Chỉ thị 12 của Thành phố, bảo đảm khoảng cách tối thiếu 2m mỗi người, số vị trí ngồi không vượt quá 50% công suất phòng họp; hạn chế các cuộc họp trực tiếp, ưu tiên họp trực tuyến, phòng họp thông thoáng; hạn chế số lượng, không họp đông người trong 1 phòng.
Hạn chế sử dụng điều hòa trung tâm tại các tòa nhà, cơ quan, công sở sau buổi làm việc mở cửa thông thoáng, vệ sinh, khử khuẩn. “Đặc biệt là khu liên cơ quan đường Võ Chí Công là nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính, lượng người giao dịch đông”, Phó Chủ tịch yêu cầu.
Công chức, cán bộ, cá nhân hạn chế tiếp khách tại nơi làm việc trong thời điểm này; công tác đo thân nhiệt, khai báo y tế phải thực hiện nghiêm để bảo đảm an toàn, tránh sự cố đáng tiếc; bếp ăn tập thể tại các cơ quan hành chính, công ty... phải quan tâm số lượng người ăn cùng một lúc để hạn chế tiếp xúc một cách tối đa, phòng ngừa nguy cơ lây dịch.
Tiếp tục siết chặt công tác quản lý ở các khu vực có nguy cơ cao như: bệnh viện, khu công nghiệp, chung cư; các khu cách ly tập trung giao cho địa phương nhưng vẫn phải dưới sự điều hành, phân luồng của thành phố; có sự phối hợp nhịp nhàng với các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu tăng cường xét nghiệm sàng lọc nhất là các bệnh nhân đến khám chữa bệnh có biểu hiện dịch tễ: “Tránh việc chủ quan, để lọt ca bệnh ở các bệnh viện”.
Thành phố đề nghị rà soát chuẩn bị cho các sinh viên trường y tại Hà Nội sẵn sàng là lực lượng dự trữ, thay thế cho các y bác sỹ trong một số phần việc như lấy mẫu, xét nghiệm...
Lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ chia sẻ với khó khăn, vất vả mà tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đang phải trải qua trong cuộc chiến...
Nguồn: [Link nguồn]