Hà Nội: Phát hiện thủy ngân trong không khí là cực kỳ nguy hiểm
Theo PGS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa hóa học trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, nếu không khí có chứa thủy ngân là thực sự đáng báo động. Thủy ngân là kim loại rất độc, nếu có trong không khí càng độc hơn gấp bội. Vì sao?
Ảnh minh họa
Gần đây, thông tin tại trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Theo TS Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội thay đổi theo từng thời điểm và hiện nay là thời điểm giảm. Dù vậy, chỉ số AQI đo được vào ngày 14/4 vẫn dao động ở mức 54-140, mức kém theo thang đánh giá, khuyến cáo những người nhạy cảm hạn chế ra ngoài.
Trước đó khoảng 6 tuần - vào đầu tháng 3, chỉ số AQI ở Hà Nội có lúc lên đến 388 - mức ô nhiễm rất nặng, cao nhất trên thang đánh giá. Mức này, các nhà khoa học khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Một tiết lộ đáng lo ngại được TS Hoàng Dương Tùng cho biết là mới đây, thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân có trong không khí - một vấn đề mà các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đều đang lo ngại.
Trao đổi với chúng tôi, PGS TS Trần Hồng Côn cho biết, thủy ngân là kim loại rất độc và nếu không khí chứa thủy ngân càng độc vì theo chuyên gia này, nhiễm độc thủy ngân từ không khí là loại nhiễm độc cực kỳ nguy hiểm. Thủy ngân là kim loại nặng tồn tại dưới 2 dạng: Kim loại và ion. Thủy ngân rất dễ bay hơi trong không khí.
Thủy ngân “lơ lửng” trong không khí không có biện pháp nào để phòng và xử lý nó. PGS Công khẳng định để chặn nó phải chặn từ nguồn sinh ra nó. Vị chuyên gia này nghi ngờ có nhiều khả năng thủy ngân này được sinh ra từ các lò đốt rác thải y tế hoặc rác thải công nghiệp. Tuy nhiên, nếu tìm được đúng nguồn này thì các phải có biện pháp để các lò xử lý rác thải chặn thủy ngân ngay từ đầu, không bay ra không khí. Còn khi nó đã bay ra không khí thì không ai có thể chạy theo được.
Thủy ngân ở không khí là loại cực độc bởi vì khi hít phải khí có chứa thủy ngân, thủy ngân sẽ len lỏi vào các mô, những nơi có chứa chất nhày nhày như ở phổi và nó sẽ kích thích đường hô hấp dẫn đến ho húng hắng, ho ra đờm, khó thở, da có thể tím tái do thiếu ôxy.
Ở khoang miệng còn biểu hiện lợi răng sưng đỏ, niêm mạc bị vỡ và xuất huyết. Số ít còn có hiện tượng mất ngủ, tinh thần hoảng loạn, tình cảm khác thường, không ổn định. Hơi thủy ngân còn có thể thâm nhập vào cơ thể qua da gây viêm da dị ứng nhất là ở mặt, cổ, nách và đùi non (bẹn).
Biểu hiện là phát ban đỏ trên diện tích lớn, mẩn ngứa và đau nhẹ. Lâu dần thủy ngân còn xâm nhập vào hồng cầu gây thiếu máu, xanh xao gọi là ngộ độc thủy ngân mãn tính và cuối cùng người bệnh sẽ tử vong.
Còn ngộ độc thủy ngân cấp tính có thể gây chết người, bởi thủy ngân là một loại hóa chất rất độc, khi đã vào trong cơ thể người, chúng có thể dễ dàng liên kết với các chất béo trong máu và mô gây độc cho các cơ quan nội tạng và hệ thần kinh. Nếu phụ nữ mang thai hít phải thủy ngân phát tán trong không khí, chúng có thể xuyên qua cuống nhau để lọt vào tử cung, gây hại cho cả thai nhi.