Hà Nội lại khan hiếm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim

Sự kiện: Sống khỏe

Tại hầu hết các trung tâm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn Hà Nội đã hết vắc xin  “5 trong 1” Pentaxim.

Hà Nội lại khan hiếm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim - 1

Vắc xin dịch vụ lại khan hiếm.  

Trao đổi với phóng viên chiều 4/7, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội lý giải: “Do nhà cung cấp hết vắc xin Pentaxim. Dự kiến giữa tháng 7 sẽ có trở lại”.

Đại diện Trung tâm Tư vấn dịch vụ vắc xin (Viện Kiểm định quốc qua vắc xin và Sinh phẩm y tế) cho biết, lượng vắc xin dịch vụ “5 trong 1” tại đây đang khan hiếm do biến động của đơn vị cung ứng.

Do đó, trung tâm này chỉ ưu tiên vắc-xin cho trẻ đã tiêm mũi 1, mũi 2 Pentaxim tại trung tâm để đảm bảo việc phòng ngừa đầy đủ và đúng lịch trình Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Tại Trung tâm Tiêm chủng 131 Lò Đúc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), Phòng Tư vấn và tiêm chủng vắc xin BV Nhi T.Ư, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ vắc xin (Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế)… cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm chủng dịch vụ phải có vắc-xin tổng hợp Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc-xin này sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, hiện nhiều người dân nhầm lẫn cho rằng vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc-xin nội. Vắc-xin dịch vụ là vắc-xin ngoại, điều này chưa chính xác. Vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng cũng có nhiều loại vắc-xin ngoại, ngược lại, vắc-xin dịch vụ cũng sử dụng vắc-xin do trong nước sản xuất.

Ông Phu khuyến cáo, các bà mẹ nên tin tưởng về tính an toàn và chất lượng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tất cả các loại vắc-xin đều phải qua kiểm định, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới được đưa vào sử dụng. Hiện nay, vắc-xin Việt Nam đã được thế giới công nhận và đánh giá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, như tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... để có chỉ định tiêm vắc-xin phù hợp.

Đặc biệt, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Vắc xin bại liệt sắp được sử dụng có an toàn với trẻ?

“Sau khi uống vắc xin bại liệt, trẻ rất hiếm gặp các dấu hiệu bất thường như đau cơ, yếu cơ, liệt…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN