Hà Nội ghi nhận hơn 2.000 ca sốt xuất huyết trong 1 tuần, gió mùa có làm hạ dịch?
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, chỉ trong tuần qua, Hà Nội đã có hơn 2.000 ca sốt xuất huyết mới được ghi nhận.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 23.314 ca mắc, 4 ca tử vong. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn. Các địa phương ghi nhận có nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai (1.558 ca), Phú Xuyên (1.548 ca), Hà Đông (1.533 ca), Thanh Trì (1.309 ca), Đống Đa (1.252 ca), Thanh Oai (1.230 ca), Cầu Giấy (1.224 ca), Nam Từ Liêm (1.162 ca)...
Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm viện.
Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 1.419 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 239 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.
Đối với một số dịch bệnh khác như: tay chân miệng từ đầu năm đến nay ghi nhận 2.354 ca mắc, 0 ca tử vong. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (1.547); uốn ván người lớn ghi nhận 23 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (10); liên cầu lợn ghi nhận 15 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (2)…
Theo ông Bùi Văn Hào, Giám đốc CDC Hà Nội, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát tại các quận, huyện thì vẫn còn bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, vệ sinh môi trường.
Các quận, huyện chưa phát huy được hiệu quả tối đa đội xung kích và tổ giám sát tại cộng đồng, việc phát hiện ổ dịch còn chậm, muộn dẫn đến số ca mắc gia tăng.
Theo CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong các tuần tới.
Do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.
Miền Bắc đang chịu tác động của khối không khí lạnh và khô khiến nền nhiệt giảm nhẹ so với một ngày trước, điều này liệu có khiến dịch sốt xuất huyết hạ nhiệt? TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay đối với vòng đời muỗi, khi có đợt mát xuống không ảnh hưởng quá nhiều.
Theo dự báo, Hà Nội sẽ lập đỉnh dịch từ tháng 9 đến tháng 11, vì vậy, dù có gió mùa, nhiệt độ có mát xuống cũng không ảnh hưởng đến dịch. Tháng 10, 11 không khí hơi se lạnh, mát, cho đến khi mùa đông nhiệt độ xuống hẳn. Từ tháng 12, đỉnh dịch sốt xuất huyết mới xuống.
TS Dũng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không chủ quan, cần phòng tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, bọ gậy... đặc biệt tại khu vực có ổ dịch.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong tuần này qua, trên địa bàn Hà Nội tiếp tục có thêm gần 2.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng 9-2023).