Hà Nội: Bệnh thủy đậu vào mùa
Ngày 12/11, TS Nguyễn Nhật Cảm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - cho biết: Thời điểm này, tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội đã ghi nhận nhiều ca mắc bệnh thủy đậu.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 10 trường hợp mắc bệnh thủy đậu vào khoa. Đáng nói là có nhiều trẻ vì điều trị không đúng cách, hoặc kiêng khem quá mức đã bị biến chứng.
Tại BV Nhiệt đới T.Ư, từ đầu tháng đến nay cũng tiếp nhận một số trường hợp người lớn bị bệnh đến khám, điều trị do mắc thủy đậu.
Ths.BS Nguyễn Tiến Lâm – Trưởng khoa Virus Ký sinh trùng - cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên thường phát triển thành dịch. Thời tiết chuyển mùa, không khí nóng ẩm tạo điều kiện cho virus gây bệnh phát triển mạnh. Điều đáng lo ngại là năm nay đã có người lớn mắc thủy đậu và thường có biến chứng viêm não nặng.
Triệu chứng thường gặp của bệnh thủy đậu là mệt mỏi, chảy nước mũi, đau họng và ngứa. Sau đó, trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Khoảng từ 12 – 24 giờ sau, các nốt ban tiến triển thành các nốt phỏng có dịch nước bên trong rồi đục dần, có mủ và sau 8 - 10 tiếng thì vỡ ra và đóng vảy. Sau một tuần các vảy sẽ bong ra và tự khỏi nếu bệnh nhân không nhiễm trùng da, các vết sẹo sẽ mờ dần rồi tự mất.
Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh thủy đậu thường khởi phát vào đầu năm, đỉnh điểm vào tháng 2 - 3. Đây là bệnh lây nhiễm lành tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trẻ em nhiều hơn người lớn. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan...
Tiêm vắc-xin có thể phòng ngừa bệnh thủy đậu
Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này. Một số người vẫn có thể mắc bệnh lần thứ hai và lần này thường gặp là bệnh zona.
TS.Nguyễn Nhật Cảm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khuyến cáo thủy đậu có thể phòng tránh được bằng vaccine. TS Cảm lý giải, vaccine ngừa thủy đậu tạo được miễn nhiễm lâu dài gần như suốt đời, tính an toàn cao, ít tác dụng phụ. Người dân có thể đến các các điểm tiêm chủng để được các bác sĩ chuyên môn tư vấn, tiêm phòng.
Ngoài việc tiêm phòng, để tránh nguy cơ lây bệnh, người bệnh cần giữ vệ sinh cá nhân, quần áo, đồ dùng sinh hoạt sạch vì vùng da bị tổn thương rất dễ bị nhiễm trùng. Nếu trong gia đình, trường học, cơ quan... có người mắc bệnh, cần cách ly bệnh nhân 7 - 10 ngày để tránh lây lan cho người xung quanh.