Hà Nội: 1 bệnh nhi bị sốt xuất huyết biến chứng nặng

Bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động nên phải cấp cứu.

Theo TS.BS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp (BV E) trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị cho 30-40 trường hợp bệnh nhân nhi mắc các bệnh trên trong đó, có những ngày 6 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết.

Cũng theo bác sĩ Hiền, hiện tại khoa Nhi có 18/42 bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết. Trong đó, nặng nhất là bệnh nhân nhi N.T.T. (7 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Bệnh nhi bị SXH nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi. Tuy nhiên, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng.

Các bác sĩ ở khoa Nhi phải theo dõi 24/24h, áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt.

Hà Nội: 1 bệnh nhi bị sốt xuất huyết biến chứng nặng - 1

Trẻ sốt xuất huyết nhập viện do bị biến chứng. 

BS Hiền khuyến cáo, bệnh SXH sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy, các bậc phụ huynh phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời.

Khi trẻ mắc SXH nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, tính đến ngày 1/8, hiện còn 200 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị nội trú trong đó có 2 ca sốt xuất huyết ở người lớn có biến chứng nặng.

Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 60.000 người bị SXH, trong đó 19 trường hợp tử vong.

Để phòng muỗi đốt, người dân cần:

- Xoa thuốc chống muỗi đốt lên những vùng da hở để bảo vệ cả ngày lẫn đêm.

- Mặc quần áo dài che kín tay, chân khi làm việc ban ngày, nhất là ở nơi có nhiều muỗi.

- Sử dụng thuốc diệt muỗi; dùng các dụng cụ bắt muỗi. Dùng màn để tránh muỗi đốt trẻ em, người già và những người khác khi ngủ ban ngày…

Sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn sốt cao, thường trong 3 ngày đầu. Bệnh nhân sốt cao liên tục, đau đầu, nhức vùng hốc mắt, đau mỏi các cơ khớp, đau tức thắt lưng. Các dấu hiệu này cũng giống như biểu hiện khi nhiễm nhiều loại virus khác nên chỉ có thể phân biệt nhờ xét nghiệm.

Giai đoạn diễn biến nặng, thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh. Bệnh nhân hạ sốt dần nhưng lại có thể xuất hiện các biến chứng nặng:

- Biến chứng tăng tính thấm thành mạch, gây thoát dịch khỏi mạch máu, làm máu trong lòng mạch cô đặc lại. Nếu không được bù dịch kịp thời sẽ làm thiếu thể tích trong lòng mạch, gây tụt huyết áp và sốc. Những trường hợp sốc nếu không được xử trí kịp thời có thể tử vong trong vòng một vài giờ.

- Biến chứng hạ tiểu cầu trong máu. Nếu nặng có thể gây các chảy máu bất thường như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, hoặc các xuất huyết nội tạng nguy hiểm như: Chảy máu tiêu hóa, xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng hay băng kinh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được truyền tiểu cầu, cầm máu kịp thời.

- Giai đoạn hồi phục: Thường sau giai đoạn thoát dịch 24 - 48h: bệnh nhân hết sốt, phần dịch thoát ra khỏi lòng mạch lại tái hấp thu lại làm gia tăng lượng dịch trong lòng mạch. Giai đoạn này cần hạn chế truyền dịch để tránh nguy cơ quá tải dịch.

Bác sĩ mách cách cực hay phân biệt sốt/sốt virus/sốt xuất huyết

Nhiều người không biết phân biệt thế nào là sốt/sốt virus/sốt xuất huyết nên tự ý điều trị, để lại biến chứng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN