GS Nguyễn Trần Hiển: Ra nước ngoài tiêm vắc xin là quá lãng phí!

Đối với vắc xin pentaxim 5/1, ngày 4/7 đã có 24.000 liều, dự kiến cuối tháng 8 tiếp tục nhập 25.000 liều; vắc xin infanrix hexa 6/1 dự kiến tháng 9 sẽ nhập 200.000 liều; vắc xin thủy đậu của hãng MSD đã nhập 28.000 liều.

Trước tình hình khan hiếm vắc xin dịch vụ như hiện nay, những gia đình có điều kiện đưa con ra nước ngoài tiêm chủng với hi vọng con họ được sử dụng dịch vụ tiêm chủng tốt nhất. 

Tuy nhiên, GS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng quốc gia cho biết việc tiêm ở trong nước và nước ngoài không khác nhau về quy trình và ở các nước trên thế giới cũng có những trường hợp trẻ bị phản ứng sau tiêm chủng.

Thưa ông, tình hình thiếu vắc xin tiêm chủng ở một số loại không có trong danh mục trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia như vắc xin 6 trong 1, thủy đậu... ông có thể cho biết đến khi nào tình trạng vắc xin sẽ hết khan hiếm như hiện nay? Cơ chế nhập vắc xin dịch vụ như thế nào thưa ông?

GS Nguyễn Trần Hiển: Trước hết cần khẳng định là các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) vẫn được cung cấp đầy đủ, vì nhờ có hỗ trợ kinh phí của chính phủ trong việc triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi theo lịch tiêm chủng, bao gồm 11 loại vắc xin như  lao, bạch hầu, bại liệt, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan virus B, bệnh do Haemophylus influenza typ B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. 

GS Nguyễn Trần Hiển: Ra nước ngoài tiêm vắc xin là quá lãng phí! - 1

Nhiều vắc xin sẽ được nhập về từ nay đến hết năm.

Trong khi đó, việc cung ứng vắc xin dịch vụ mà người dân phải trả tiền dựa theo nhu cầu của thị trường.  

Các vắc xin dịch vụ chủ yếu không nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng như: thủy đậu, cúm, phế cầu chủng, viêm màng não do não mô cầu, HPV ... dưới dạng vắc xin đơn hay phối hợp 5 hay 6 vắc xin trong trong mũi  tiêm.  

Việc đảm bảo đủ vắc xin dịch vụ đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở tiêm chủng vắc xin dịch vụ (lập kế hoạch số lượng người sẽ tiêm và vắc xin cần mua) với các doanh nghiệp vắc xin trong nước (đặt hàng số lượng vắc xin cần nhập khẩu), và với các nhà cung cấp vắc xin nước ngoài (lập kế hoạch sản xuất vắc xin và cung ứng). 

Số lượng các vắc xin nhập về phải được thông báo ít nhất 6 tháng để các nhà cung cấp nước ngoài có thể lập kế hoạch sản xuất và cung ứng. Các vắc xin sau khi được nhập khẩu cần phải được Viện Kiểm định quốc gia về vắc xin và Sinh phẩm y tế kiểm định chất lượng, đạt yêu cầu mới có thể cung cấp cho các đơn vị tiêm chủng vắc xin dịch vụ. 

GS Nguyễn Trần Hiển: Ra nước ngoài tiêm vắc xin là quá lãng phí! - 2

GS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Trong thời qua việc chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân về các vắc xin dịch vụ là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ đơn vị nêu trên. 

Tình hình cung ứng vắc xin dịch vụ trong thời gian tới như sau: Đối với vắc xin pentaxim 5/1, ngày 4/7 đã có 24.000 liều, dự kiến cuối tháng 8 tiếp tục nhập 25.000 liều; vắc xin infanrix hexa 6/1 dự kiến tháng 9 sẽ nhập 200.000 liều; vắc xin thủy đậu của hãng MSD đã nhập 28.000 liều đang chờ kiểm định, dự kiến tháng 8 sẽ nhập tiếp 80.000 liều; vắc xin thủy đậu của Hàn Quốc đã nhập 35.000 liều, dự kiến tháng 7 sẽ nhập tiếp 35.000 liều.

Nhiều ý kiến cho rằng để xảy ra tình trạng thiếu vắc xin là do người dân đổ xô đi tiêm chủng khi dịch bệnh xảy ra. Về phần mình, ông thấy việc đổ lỗi cho người dân có hợp lý? 

GS Nguyễn Trần Hiển: Nhu cầu tiêm vắc xin phòng bệnh chủ động là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên việc tiêm vắc xin phải được thực hiện trước khi mùa dịch xảy ra, chứ không phải có dịch mới đi tiêm vắc xin. Cần phải tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đông về tầm quan trọng và hiệu qủa của việc tiêm phòng chủ động, đầy đủ, đúng lịch, đủ số mũi tiêm với tỷ lệ tiêm chủng cao. 

Ngoài việc tăng cường vận động chính sách để sớm đưa thêm các vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em, cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa hỗ trợ kinh phí cho việc triển khai các vắc xin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng, để đảm bảo các trẻ em Việt Nam được tiêm các vắc xin an toàn và hiệu qủa hiện có.

Hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện họ cho con ra nước ngoài để tiêm chủng như Thái Lan và Singapore... với mức giá gần chục triệu đồng/mũi vì người ta hi vọng "đắt xắt ra miếng". Người dân mất niềm tin vào y tế dự phòng trong nước. Ông có thể cho biết làm thế  nào để người dân không bỏ tiền ra nước ngoài, lãng phí nguồn ngoại tệ lớn?

GS Nguyễn Trần Hiển: Trong thời gian vừa qua việc thông báo một số trường hợp phản ứng sau tiêm nặng hoặc tử vong đúng là đã làm giảm lòng tin của người dân với tiêm chủng mở rộng, mặc dù không có bằng chứng có liên quan tới chất lượng vắc xin. 

Hiện tượng một số gia đình có điều kiện mang con em ra nước ngoài để tiêm vắc xin, theo tôi, mặc dù không nhiều, nhưng là lãng phí và không cần thiết. 

Những thành quả của Chương trình TCMR ở Việt Nam trong 29 năm qua (với 10/11 vắc xin là vắc xin trong nước sản xuất) đã chứng minh tính an toàn và hiệu qủa của cắc vắc xin này. 

Thành công của công tác TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh nhiễm trùng có vắc xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. 

Chúng ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, bại liệt vào năm 2000, loại trừ được uốn ván sơ sinh vào  năm 2005 và đang tiến tới loại trừ sởi và khống chế viêm gan B trong vài năm tới.

Tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2012 với năm 1984 thấy: Bệnh Bạch hầu giảm 585 lần, Ho gà giảm 937 lần, Uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, Sởi giảm 573 lần. 

Ước tính đã dự phòng cho 6,7 triệu trẻ khỏi mắc bệnh và 43.000 trẻ khỏi bị tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, và sởi, góp phần đạt được mục tiêu thứ tư của thiên niên kỷ là giảm hai phần ba tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015. 

Có thể nói đây là một trong những thành tựu lớn nhất mà ngành y tế Việt Nam đã đạt được trong những năm qua trong bối cảnh Việt nam còn là một nước nghèo thu nhập bình quân đầu người còn thấp.  

Thành tích này đã được bạn bè quốc tế ca ngợi và khâm phục. Do đó, cần phải tăng cường truyền thông tư vấn cho người dân về những thành tựu của TCMR và tính an toàn và hiệu quả của các vắc xin đang triển khai ở Việt Nam. 

Các bà mẹ hãy tin tưởng là ngành y tế đã đang và sẽ cố gắng với hết tinh thần trách nhiệm của mình để đảm bảo  tiêm vác xin là an toàn và hiệu qủa nhằm tiếp tục duy trì những thành quả to lớn của TCMR ở Việt Nam. 

Tiêm chủng ở nước ngoài và ở Việt Nam có khác gì nhau không thưa ông? Tại sao ở Việt Nam thường có những thông tin về tai biến vắc xin?

GS Nguyễn Trần Hiển: Về cơ bản, không có sự khác nhau về qui trình và lịch tiêm vắc xin ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Trên thực tế, mặc dù vắc xin là an toàn, nhưng không phải là an toàn 100% và không phải hoàn toàn không có nguy cơ gây phản ứng sau tiêm chủng. 

Các phản ứng sau tiêm chủng có thể khác nhau từ phản ứng nhẹ, thông thường đến phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Hầu hết các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ. 

Các nước cũng có báo cáo các trường hợp PƯSTC. Ví dụ trong năm 2013 và 2014, Ân Độ, Buhtan, Srilanca, Trung Quốc và Nhật Bản cũng thông báo các trường hợp PƯSTC đối với các vắc xin 5 trong 1, viêm gan B, HPV...

Vâng xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN