Góc tối của hệ thống y tế Trung Quốc
Vì điều kiện kinh tế eo hẹp, nhiều bệnh nhân nghèo ở Trung Quốc đổ xô đến các “bệnh viện đen” khám chữa bệnh mà không thể ngờ rằng, đôi khi cái giá phải trả đối với họ không chỉ là những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, mà còn cả tính mạng.
Nhan nhản phòng khám trái phép
Thượng Hải được đánh giá là thành phố có hệ thống y tế hiệu quả và hiện đại vào bậc nhất tại Trung Quốc. Thế nhưng, ẩn đằng sau nó là những cơ sở y tế hoạt động trái phép không ngừng “mọc” lên tại khu vực ngoại ô, thu hút một lượng không nhỏ các bệnh nhân nghèo, công nhân di cư không đủ tiêu chuẩn để được hưởng bảo hiểm y tế của thành phố. Những cơ sở này thường hoạt động ẩn trong các căn hộ chung cư hay những ngôi làng nhỏ tại các vùng ngoại ô ở các thành phố lớn. Và để thu hút khách, chủ các cơ sở thường thuê người đi phát các tờ rơi quảng cáo hoặc thông qua truyền khẩu.
Trong số những nạn nhân của các phòng khám “chui” có Nghê Ý Viên. Nữ công nhân này được chẩn đoán bị sỏi mật năm 2011, bác sĩ yêu cầu phẫu thuật nhưng chi phí lại quá cao. Chồng cô khi đó tìm thấy một tờ rơi quảng cáo của một phòng khám tư địa phương với lời hứa hẹn chi phí chữa trị thấp hơn nhiều nên hai vợ chồng quyết định tới đây chữa sỏi mật. Thế nhưng, khi Nghê được tiêm kháng sinh IV với giá 60 NDT (9,65USD), cô bỗng có cảm giác khó thở. Ngay sau đó, cô đã được đưa đi cấp cứu, may mắn không nguy hiểm đến tính mạng.
Một cơ sở y tế bất hợp pháp tại Thượng Hải bị chính quyền “sờ gáy”
“Bác sĩ” tại phòng khám này là Từ Phong cũng mới chỉ đào tạo sơ qua về công việc y tá và công nghệ y học. Từ thừa nhận mình mở phòng khám vì không thể tìm được công việc nào khác ở Thượng Hải. Mới chỉ được đào tạo kiến thức cơ bản về y học, ông ta đã phát tờ rơi quảng cáo về phòng khám của mình cho các công nhân ở khu nhà gần đó. Công tố viên địa phương cho biết, trước đó Từ đã hai lần bị phạt vì các hành vi tương tự, và lần này ông ta bị kết án 7 tháng tù giam do mở cơ sở khám chữa bệnh trái phép.
Sở dĩ các cơ sở này có “đất sống” vì hầu hết các bệnh nhân là công nhân di cư hoặc người thu nhập thấp, những người thường không quan tâm đến lĩnh vực chuyên môn của bác sĩ mà chỉ chú trọng đến mức giá rẻ và hợp lý hơn các bệnh viện công. Cũng có một nguyên nhân khác là một số người lựa chọn các phòng khám này vì lý do riêng tư, đặc biệt là những người mắc bệnh hoa liễu, họ thường tỏ ra xấu hổ khi tới bệnh viện công vì sợ bạn bè hoặc người thân biết.
Đôi khi cái giá phải trả đối với họ không chỉ là những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, mà còn cả tính mạng.
Dẹp xong lại “mọc”
Làm công nhân ở Bắc Kinh, nhưng mỗi khi ốm đau, chị Trương Học Phương, 29 tuổi lại tìm đến các “bệnh viện đen” để chữa trị. Sở dĩ làm vậy, vì Trương không có hộ khẩu Bắc Kinh nên chị không được hưởng trợ cấp khám bệnh của chính phủ tại các bệnh viện công. “Chúng tôi thực sự không muốn đến những cơ sở này vì biết rằng các điều kiện vệ sinh không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng chúng tôi không có đủ tiền để chữa trị tại các bệnh viện lớn”, Trương cho biết. Chị từng phải trả 800NDT, chiếm 1/4 tháng lương, để chữa trị bệnh cảm lạnh thông thường tại một bệnh viện công ở Bắc Kinh. Mặc dù vậy, Trương nhận thấy mức độ rủi ro tại các “bệnh viện đen” ngày càng tăng. Có lần, chị đã phải hoảng sợ bỏ chạy sau khi bị bác sĩ ép tiêm tĩnh mạch.
Không may mắn như Trương Học Phương. Trường hợp của chị Tiểu Lý, 20 tuổi, còn bi đát hơn. Khi đi khám tại một cơ sở y tế ở huyện Mẫn Hàng, ngoại ô Thượng Hải, với các triệu chứng cảm cúm. Nhưng chỉ sáng hôm sau, chị đã tử vong do sốc phản vệ sau khi bác sĩ tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch. “Bác sĩ” tên là Tùng Sơn Quốc, 35 tuổi, người tỉnh An Huy. Điều đáng nói, ông này không hề có giấy phép hành nghề bác sĩ, mà mới chỉ được đào tạo qua công việc y tá. Mặc dù vậy, Tùng Sơn Quốc vẫn điều hành một cơ sở khám chữa bệnh trái phép tại huyện Mẫn Hàng từ năm 2005, cho đến khi xảy ra vụ việc trên thì bị bắt giữ và tống giam.
Theo thống kê, chính quyền Bắc Kinh đã đóng cửa khoảng 1.000 “bệnh viện đen” mỗi năm kể từ 2010. Tuy nhiên, nhiều cơ sở được mở lại tại địa điểm gần đó hoặc ngay trên chính vị trí cũ chỉ vài ngày sau khi bị đóng cửa. Mặc dù Trung Quốc chưa từng công bố có bao nhiêu “bệnh viện đen” tồn tại, nhưng mỗi lần truyền thông nước này đưa tin thì thường là có trường hợp tử vong xảy ra tại các cơ sở y tế hoạt động không phép. Đơn cử, hồi tháng 1 vừa qua, báo chí Trung Quốc cho biết, một công nhân ở tỉnh Phúc Kiến đã tử vong chỉ vài giờ sau khi điều trị tại một “bệnh viện đen” ở ngoại ô Bắc Kinh. “Bệnh viện đen là góc tối của hệ thống y tế Trung Quốc”, Giáo sư Tiêu Chí Dũng thuộc Đại học Kinh tế và thương mại Bắc Kinh nhận định.