Gieo thói quen, gặt... bệnh tật
Theo các số liệu thống kê, có tới 70% dân số nước ta có nguy cơ mắc phải các bệnh liên quan tới dạ dày. Nhiều người mắc bệnh dạ dày chính từ những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Vậy đâu là thói quen nên duy trì, đâu là thói quen nên bỏ để dạ dày của bạn luôn khỏe mạnh?
Thói quen trong ăn uống
Theo TS.BS. Dương Trọng Hiền (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), thói quen trong ăn uống cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày. Để tránh mắc bệnh, không để dạ dày quá đói, ăn lượng thức ăn đủ để đảm bảo cho đến bữa ăn tiếp theo mà bệnh nhân mới cảm thấy đói, không nên để cho dạ dày bị đói kéo dài. Bởi khi để đói kéo dài, lượng acid trong dạ dày cao trong khi đó dạ dày lại tăng cường co bóp và đây là yếu tố làm tăng tổn thương niêm mạc dạ dày-tá tráng.
Cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý: Ăn đúng giờ, đúng cách, đảm bảo cho sức khỏe; hạn chế các đồ rán, nướng, hun khói, thức ăn thô, nhiều muối (như dưa muối, cà muối, thịt hun khói...); không được nhịn ăn, nhất là ăn sáng; bữa tối chỉ ăn vừa đủ no. Sau bữa ăn, hạn chế vận động mạnh, chỉ vận động sau ăn khoảng 30 phút.
Hạn chế dùng đồ uống có chất kích thích có hại cho sức khỏe như bia, rượu, cà phê... Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá.
Thói quen trong sinh hoạt, tập luyện
TS.BS. Dương Trọng Hiền cho biết, có một tỷ lệ khá cao số người mắc viêm dạ dày tá tràng liên quan đến yếu tố thần kinh. Nguyên nhân là do khi căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, hệ thống thần kinh thực vật (dây thần kinh số 10) tăng cường hoạt động. Đây là một trong những yếu tố tăng tiết acid trong dạ dày, làm giảm lớp chất nhày bảo vệ niêm mạc và là yếu tố tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày. Chính vì thế, khi hạn chế được các yếu tố thần kinh (căng thẳng nghề nghiệp, mất ngủ kéo dài), sinh hoạt điều độ sẽ giúp chúng ta có niêm mạc dạ dày khỏe mạnh và hệ tiêu hóa khỏe mạnh, không bệnh tật.
Căng thẳng là một trong những yếu tố làm tăng tiết acid dạ dày.
Khi thức khuya cơ thể sẽ có những phản ứng bằng cách tiết ra các hormon để chống đỡ các cơn mệt mỏi của cơ thể. Việc tiết ra hormon đó cũng bắt hệ hô hấp, tim mạch, hệ tiêu hóa làm việc nhiều hơn, và khi làm việc trong điều kiện đói, không đầy đủ cũng là yếu tố làm tăng tổn thương đường tiêu hóa, dẫn đến đau dạ dày.
TS.BS. Dương Trọng Hiền cũng lưu ý trong việc sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tim mạch, huyết áp, khớp... Do các thuốc này có ảnh hưởng đến dạ dày, vì vậy khi phải dùng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Lưu ý, nên uống thuốc khi đã ăn no (trong dạ dày đã được trung hòa), tác dụng phụ của thuốc sẽ giảm tối thiểu.
Việc sử dụng một số thuốc điều trị như tim mạch, khớp cũng gây ảnh hưởng đến dạ dày.
Ngoài ra, khi có các dấu hiệu của bệnh dạ dày (ợ hơi, ợ chua, thường xuyên đau vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ hoặc quặn thành cơn...), cần đi khám ở các phòng khám chuyên khoa. Việc khám và phát hiện sớm các tổn thương viêm dạ dày sẽ giúp quá trình điều trị đơn giản và nhanh chóng. Do vậy sẽ giảm nguy cơ bị viêm mạn tính-một trong những yếu tố làm tăng tỷ lệ nguy cơ ung thư dạ dày. Đối với việc phòng ngừa nhiễm vi khuẩn H.pylori cách tốt nhất là nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn sạch, uống sạch.
Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày cũng rất tốt cho sức khỏe của bạn. Tập thể dục không chỉ giúp bạn khỏe mạnh hơn, tăng cường hệ miễn dịch mà còn tạo tâm lý thoải mái hơn. Đây là những yếu tố thuận lợi để bạn có một dạ dày luôn khỏe mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Với những tiến bộ của khoa học, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vi khuẩn Helicobacter Pylory (H.pylori) là một trong những...