Giật mình giới trẻ tự tử theo mùa
“Sau mỗi dịp lễ Tết hay cận kề mùa thi là Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai lại tiếp nhận hàng trăm ca mắc bệnh trầm cảm nặng. Trong đó có đến 30% số ca từng tự tử và có ý định tự tử”.
Lầm lũi cứa tay tự tử
Câu chuyện của anh Nguyễn Đình Phú (Giao Thủy, Nam Định) kể về cô con gái đang nằm điều trị bệnh trầm cảm tại Viện Sức khỏe Tâm thần khiến người nghe không khỏi giật mình.
Anh Phú kể: con gái anh (cháu Bích, 19 tuổi) nhập viện do rối loạn tâm thần sau kỳ nghỉ tết nguyên đán một tuần. Nghỉ Tết dài, ngày nào cháu cũng đi chơi với bạn đến khuya mới về nhà. Sợ con chơi quá đà, hư hỏng, gia đình đành cấm cháu giao lưu với bạn bè. Cháu bất bình nên thường xuyên cãi cọ bố mẹ rồi nhắm mắt uống một trăm viên thuốc ngủ. Không dừng lại ở đó, Bích còn dùng dao cứa tay để tự tử.
Bệnh nhân tự tử được điều trị tại bệnh viện. (Ảnh minh họa)
May mắn cháu được gia đình phát hiện và đưa đi cấp cứu. Tuy vết thương đã ổn định nhưng Bích vẫn có biểu hiện bất thường về tâm lý. Bích đờ đẫn, không giao lưu tiếp xúc với ai. Gia đình vội chuyển cháu đến Viện sức khỏe tâm thần điều trị.
Nằm trong khu điều trị dành cho bệnh nhân tâm thần thể đặc biệt là cậu bé Nguyễn Văn Luận (17 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội). Người nhà của Luận cho biết, năm nay em thi đại học. Cậu bé muốn theo học ngành an ninh nhưng gia đình không đồng ý. Đấu tranh với gia đình không được, trong lúc nghĩ quẩn em đã dùng dao dâm thấu tim để quyên sinh.
Theo BSCKII. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tại thời điểm này Viện có hàng chục ca bị trầm cảm và có ý định tự tử. “Cứ sau các dịp lễ Tết hay cận kề mùa thi là Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai lại tiếp nhận hàng trăm ca mắc bệnh trầm cảm nặng. Trong đó có đến 30% số ca từng tự tử và có ý định tự tử”. BS Dũng nói.
Giọt nước làm tràn ly
BS Dũng cho biết, giới trẻ tự tử là do bị sang chấn tâm lý sau một kỳ nghỉ lễ hoặc sau một sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Ở lứa tuổi thanh niên não bộ chưa ổn định, các em thường nhạy cảm, bồng bột và đưa ra quyết định ngây ngô. Đa số các em chán sống, thấy buồn buồn, thậm chí qua một vài lần cãi cọ với gia đình, thầy cô, bạn bè là có ý định tự tử... Tuy nhiên, sau khi điều trị, nhiều bệnh nhân lại thấy hối hận và “thèm” sống.
Theo BS Dũng, giới trẻ tự tử là do bị sang chấn tâm lý sau một kỳ nghỉ lễ hoặc sau một sự kiện quan trọng trong cuộc đời.
Liên quan đến vấn đề tự tử ở giới trẻ, bà Phùng Minh Trang (Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý Hà Nội) cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc tự tử ở giới trẻ chỉ là giọt nước làm tràn ly. Theo bà Trang, hầu hết các em có ý định tự tử đều bị rệu rã về tâm lý và sức khỏe tâm thần từ trước.
Qua hàng loạt các vụ tự tử ở giới trẻ, BS Dũng cảnh báo giới trẻ không nên hủy hoại bản thân mình bằng những hành vi dại dột. BS Dũng ví những người tự tử là vi phạm “pháp luật của lương tâm”. "Con người sống để yêu nhau, để quý trọng nhau chứ không phải tự hủy hoại nhau. Tự tử không thành còn để lại những hệ lụy tâm lý vô cùng to lớn". BS Dũng nói.
Đối với các gia đình, nhà trường nên tạo điều kiện thuận lợi cho con trẻ học tập và vui chơi. Khi phụ huynh thấy các cháu có biểu hiện lạ cần khám ngay để tránh hậu quả đáng tiếc. “Người tự tử đã nung nấu, nuôi dưỡng ý định tự tử trong một thời gian dài rồi mới ngây ngô đưa ra quyết định dại dột. Do đó, người thân và gia đình quan tâm, gần gũi trò chuyện sẽ cứu được một mạng người”. BS Dũng đưa ra lời khuyên.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Theo Báo cáo chuyên đề sức khỏe tâm thần vị thành niên và thanh niên Việt Nam của Trường ĐH Y tế công cộng năm 2010 cho thấy, tại Việt Nam 4,1% các em nghĩ đến chuyện tự tử, 25% số này tìm cách kết thúc cuộc sống. Đáng lưu ý, tỷ lệ nữ giới đã từng nghĩ đến tự tử cao gấp 2 lần nam giới, tỷ lệ ở thành thị (5,4%), cao hơn nông thôn (3,6%). Đặc biệt, 7,5% tự gây thương tích nhằm thoát khỏi cảm xúc đau đớn và tâm lý căng thẳng. |