Giám đốc Bệnh viện K: Hầu hết bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn

Sự kiện: Ung thư phổi Ung thư
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai tại Việt Nam, sau ung thư gan, do hầu hết bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, chỉ 15% sống thêm 5 năm.

Sáng 11/4, tại hội thảo “Sàng lọc ung thư phổi: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng tại Việt Nam”, GS.TS. Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia - cho biết, ung thư phổi hiện là nguyên nhân tử vong do ung thư cao thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau ung thư gan do hầu hết bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, chỉ 15% sống thêm 5 năm.

Theo đó, gần như tất cả các trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. Với trẻ em, phụ nữ tuy không hút thuốc trực tiếp, nhưng họ lại chịu tác động của khói thuốc thụ động.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo nói về căn bệnh ung thư phổi.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo nói về căn bệnh ung thư phổi.

Nếu được phát hiện sớm, cơ hội điều trị thành công có thể tăng lên gấp nhiều lần. Do đó, việc xây dựng chương trình sàng lọc và hệ thống quản lý bệnh hiệu quả là nội dung cấp thiết.

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính hình thành do sự biến đổi bất thường của các tế bào biểu mô phế nang, phế quản. Bệnh được chia thành hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15%) và không tế bào nhỏ (chiếm 85%).

Theo GLOBOCAN 2022, Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và hơn 22.597 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm, với tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ đạt khoảng 14,8%. Bệnh đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc mới và thứ 2 về tỷ lệ tử vong trong số các bệnh ung thư.

Theo PGS Đỗ Hùng Kiên, Phó giám đốc Bệnh viện K, tại Bệnh viện K, mỗi năm tiếp nhận khoảng 12.000 lượt khám liên quan bệnh lý u phổi, điều trị khoảng 3.200 bệnh nhân.

Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn không thể phẫu thuật, chiếm 75%, khiến tiên lượng sống kém. Bệnh thường không có triệu chứng hoặc nhầm lẫn với các dấu hiệu của bệnh lý hô hấp khác, dễ bỏ sót.

Bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn khi đã xuất hiện các triệu chứng hô hấp, u xâm lấn thành ngực, hội chứng chèn ép, di căn não, xương, hạch, các nốt dưới da...

Tỷ lệ sống 5 năm phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn 1, tỷ lệ sống có thể lên đến hơn 90%, song ở giai đoạn 4, con số là 10%, thậm chí dưới 1%.

Điều trị ung thư phổi gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, liệu pháp miễn dịch..., dẫn đến chi phí tốn kém, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, phát hiện sớm ung thư phổi là yếu tố quyết định để giảm tỷ lệ tử vong và chi phí điều trị.

GS Lê Văn Quảng nhận định việc ứng dụng công nghệ hiện đại như CT liều thấp đã cải thiện đáng kể khả năng chẩn đoán sớm ung thư phổi. Những tổn thương nhỏ, khó nhận biết trên phim X-quang thông thường nay có thể được phát hiện sớm, giúp tăng hiệu quả điều trị cũng như giảm thiểu chi phí.

Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai sàng lọc tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, từ thiếu trang thiết bị, cơ sở hạ tầng đến hạn chế, người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của sàng lọc sớm. Việc bảo hiểm y tế chưa chi trả cho các phương pháp này cũng làm tăng rào cản tiếp cận.

Phát hiện sớm ung thư phổi là yếu tố then chốt giúp giảm tỷ lệ tử vong và tối ưu hóa chi phí điều trị. Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị Việt Nam cần xây dựng chính sách hỗ trợ từ bảo hiểm y tế, đồng thời giảm giá thuốc và tăng cường tiếp cận với các liệu pháp điều trị mới. Nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sàng lọc ung thư sớm cũng là bước cần thiết để cải thiện.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cũng khẳng định, xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi quốc gia là hướng đi chiến lược nhằm giảm gánh nặng bệnh tật.

Để có được thành công, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, đồng bộ hóa chuyên môn, kiểm soát chất lượng và khai thác hiệu quả dữ liệu ghi nhận ung thư, để nâng cao hiệu quả sàng lọc và phát hiện sớm bệnh.

Người đàn ông 65 tuổi ở Phú Yên đến việm khám với triệu chứng đau thắt lưng, bất ngờ được chẩn đoán ung thư phổi di căn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TUẤN ANH ([Tên nguồn])
Ung thư phổi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN